Lẩu mắm miền Tây, món ăn đặc trưng hội tụ những gì tinh túy của ẩm thực miền Tây sông nước. Cách nấu lẩu mắm miền Tây ngon đúng điệu quan trọng nhất là lựa chọn mắm cá ngon, phần rau ăn kèm lẩu đa dạng nào bông điên điển, so đũa, lục bình, rau đắng…
Nội dung
Đôi nét về lẩu mắm miền Tây
Miền Tây nổi tiếng với những chợ nổi làng bè, nơi lênh đênh của một vùng sông nước. Miền Tây cũng là quê hương của các loại mắm cá, nơi hội tụ nhiều tinh hoa và văn hóa ẩm thực. Lẩu mắm miền Tây – món ăn tưởng chừng bình dị này đã trở thành món ăn đặc trưng của miền sông nước, nó còn là giá trị tinh thần thể hiện những gam màu đa dạng trong đời sống người dân nơi đây.
Có nguồn tin nói rằng, lẩu mắm bắt nguồn từ vùng Cần Thơ nhưng lại có người nói lẩu mắm bắt nguồn từ vùng Châu Đốc – An Giang. Dù ở đâu đi chăng nữa thì lẩu mắm đã thực sự phổ biến, đặc trưng và trở thành nét ẩm thực hòa quyện cả tình quê và tình người nơi đây. Lẩu mắm dân giã như chính vẻ mộc mạc, hiền lành, chất phát, chịu thương chịu khó nhưng đầy thú vị của người dân nơi đây.
Một nồi lẩu mắm hội tụ nhiều tinh túy của ẩm thực Nam Bộ như các loại cá đặc sản, loại mắm ruốc, các loại rau ăn kèm cũng chỉ nơi đây mới có. Nếu chỉ mới nghe tên lẩu mắm thôi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vị mặn và mùi “thối thối” của mắm được muối lâu ngày. Tuy nhiên, lẩu mắm không hề mặn cũng không hề “có mùi” như bạn nghĩ, ai đã được nếm thử chắc chắn sẽ nghiện hương vị đặc trưng của lẩu mắm miền Tây.
Cách nấu lẩu mắm miền Tây ngon đúng điệu đầu tiên phải đảm bảo các nguyên liệu tươi ngon nhất, đặc biệt là công đoạn chọn loại mắm cá. Thông thường, người dân nơi đây sẽ chọn cá linh hoặc cá sặc để làm mắm, loại cá này cho mắm thơm ngon chứ không tanh hay có mùi khó chịu cho người ăn.
Mắm cá linh hoặc cá sặc sẽ được nấu trong một chiếc nồi lớn, nấu cho đến khi cá mềm nhuyễn rục xương rồi lọc lấy nước cốt để nấu lẩu. Phần nước này sau đó được nêm nếm cùng nước hầm xương hoặc nước dừa và các gia vị. Tuỳ từng người mà có công thức nêm nếm sao cho hài hoà, nước dùng cần đậm đà vừa phải để không lấn át đi cái chất riêng của mắm. Người miền Tây hào phóng, lúc nào cũng “bồi” vào phần lẩu nào là cà tím, khổ qua, nấm,… để tăng thêm vị ngọt tự nhiên và sắc màu cho món ăn. Các loại rau ăn lẩu mắm miền Tây thường là loại tự mọc dưới nước và mang đậm hương vị miền Tây mà không nơi nào có, nào là rau nhút, điên điển, ngó súng, bông lục bình, rau đắng…
Các loại rau ăn kèm lẩu mắm rất đa dạng
Bông điên điển
Bông so đũa
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Nguyên liệu nấu lẩu mắm miền Tây
- Mắm cá linh: 100g
- Mắm cá sặc: 100g
- Xương ống: 500g
- Thịt heo quay: 300g hoặc dùng thịt ba chỉ
- Cá ăn kèm: cá lóc, cá kèo, cá hú, cá bông lau: 1kg có loại nào bạn dùng loại đó
- Hải sản nhúng lẩu: tôm, mực mỗi loại 400g
- Cà tím: 2 quả
- Sả: 3 cây
- Tỏi: 1 củ
- Ớt cay: 1-2 quả
- Ớt sừng: 2 quả
- Mướp đắng: 2 quả
- Nấm rơm: 300g
- Rau ăn kèm: bông điên điển, bông súng, rau đắng, rau muống bào…
- Bún rối ăn kèm: 500g
- Gia vị: mắm, muối, tiêu, bột nêm,…
Không gò bó như những loại lẩu khác, với lẩu mắm thì bất cứ nguyên liệu nào cũng có thể nhúng kèm lẩu. Tuy nhiên, điều quan trọng là thịt, cá, tôm phải thật tươi sống, các loại rau ăn kèm cũng phải thật tươi và xanh.
Và một kinh nghiệm nấu lẩu mắm cá miền Tây ngon là nên kết hợp 2 loại mắm cá linh và cá sặc sẽ dung hòa được độ mặn và độ ngọt của chúng, mix 2 loại với nhau sẽ ngon hơn rất nhiều. Cá linh vùng Châu Đốc là ngon nhất, cá linh tự nhiên vùng biển Hồ được ướp với muối, đường thốt nốt và thính gạo mà không có bất kì phẩm màu hay chất bảo quản nào nên hương vị thơm ngon đặc trưng của mắm cá linh khó có loại nào sánh được.
Cách nấu lẩu mắm miền Tây đơn giản
Sơ chế nguyên liệu chính
– Xương ống hoặc xương cục rửa sạch máu đỏ, rửa bằng nước muối loãng cho sạch bẩn và mùi hồi. Chần sơ sườn 3-4 phút để loại bỏ hết bọt bẩn. Sau đó rửa lại xương cho thật sạch.
– Thịt ba chỉ rửa sach, chần sơ rồi đêm thái miếng nhỏ vừa ăn. Nếu dùng thịt heo quay giòn bì thì bạn thái miếng vừa ăn bày ra đĩa.
– Tôm rửa sạch, rút bỏ chỉ đen
– Mực làm sạch, cắt khoang vừa ăn rồi để ráo nước. Phần tôm mực này có thể làm sau khi gần ăn để không bị thâm
– Cá các loại làm thịt sạch, đánh vảy, bỏ vây, bỏ ruột rồi cắt thành từng khúc dày vừa ăn. Bạn rửa cá với nước muối loãng hoặc nước rượu gừng để khử mùi tanh của cá. Rửa sạch cá rồi để ráo nước. Nếu dùng cá kèo thì chỉ cần cắt bỏ đầu đuôi, rửa nước muối sạch và nhớ là ngâm trong bát nước đá lạnh một lúc kẻo khi thả vào nồi lẩu cá quẫy tứ tung nhé.
Có người sẽ thích chiên sơ cá cho săn lại nhưng mình thích giữ nguyên cá tươi, cùng không tẩm ướp gì để cảm nhận được vị tươi ngọt tự nhiên của cá nhất
– Bạn có thể chuẩn bị thêm chả cá thác lác, chả cá cà khổ qua hay ớt sừng để ăn kèm.
Sơ chế rau ăn kèm lẩu
– Cà tím rửa sạch, thái thành từng khoang chéo
– Mướp đắng cắt đôi, nạ bỏ ruột, rửa sạch rồi thái lát chéo vừa ăn.
– Rau nhút, đắng, bông súng, điên điển…. ăn kèm đem nhặt lấy cọng non, rửa sạch rồi để ráo, bày ra đĩa
– Tỏi, sả, ớt băm nhỏ.
Nấu nước lẩu mắm
- Xương heo cho vào nồi cùng 1,5 lít nước, 1 thìa bột nêm rồi ninh nhỏ lửa 1 giờ để lấy nước ngọt. Thả thêm vào 1 củ hành tím để nước dùng được thơm hơn. Trong quá trinh ninh xương, bạn nhớ hớt bỏ bọt thường xuyên để nước dùng được trong
- Mắm cá linh và cá sặc cho vào nồi cùng 0,5 lít nước, đun sôi khoảng 10 phút để mắm cá tan nhuyễn hết. Dùng rây lọc lấy phần nước cốt mắm, bỏ bã.
- Phi thơm 1/2 phần tỏi, sả, ớt băm cho thật thơm. Cho thịt ba chỉ đã thái vào xào đến khi thịt săn lại. Nêm vào 1/2 thìa bột nêm và 1 thìa nước mắm để thịt đậm vị hơn. Cho thịt ra đĩa để riêng.
- Phi thơm phần tỏi, sả, ớt còn lại rồi cho cà tím vào xào. Bạn nêm chút bột nêm, nêm nhạt thôi nhé. Cà chín tới thì cho ra đĩa để riêng.
- Dùng một cái nồi lớn, cho nước dùng xương heo, nước cốt mắm cá, nước dừa tươi vào chung rồi đun sôi. Nêm vào 1 thìa đường phèn, 1 thìa bột nêm vào. Bước này bạn nêm gia vị từ từ thôi nhé, chỉ nêm nước lẩu nhạt một chút vì trong mắm cá đã có vị mặn rồi.
- Thả 1/2 cá các loại vào cùng đun sôi 5 phút cho cá chín tới. Tiếp đó, cho thịt ba chỉ, cà tím, mướp đắng, nấm rơm vào nồi lẩu, đun sôi 5 phút cho các nguyên liệu chín là tắt bếp. Nếu muốn ăn thêm chả cá thác lác thì bạn cho vào cùng luôn nhé.
Thưởng thức lẩu mắm miền Tây
Cũng như các loại lẩu khác, thưởng thức lẩu mắm miền Tây ngon nhất là bày ra bếp điện, ăn đến đâu thì nhúng các loại rau và thịt vào chín tới là gắp ra bát. Cái màu nâu thơm đặc trưng của mắm cá, thơm nồng mùi tỏi sả phi, ngọt của thịt heo và các loại cá tươi cùng đĩa rau xanh miệt vườn đã tạo nên một món lẩu dân dã đậm chất miền Tây. Cái đăng đắng, chan chát của rau đồng, ngọt của thịt, thơm đậm đà vị mắm làm nên dư vị khó quên. Các loại rau cùng các loại bông, nhúng vô mắm, để hơi tái, ăn giòn giòn, thấm đượm vị mắm mà không mất vị rau.
Hi vọng với cách nấu lẩu mắm miền Tây mà chúng mình vừa chia sẻ, bạn có thêm những kiến thức bổ ích về ẩm thực các vùng miền và có thêm gợi ý món lẩu ngon cho những ngày tụ tập bạn bè. Chúc các bạn thành công!
HỌC THÊM CÁC MÓN LẨU NGON
Trả lời