Đón gió mùa về với nồi lẩu cháo lòng nóng hổi thơm ngon. Cách nấu lẩu cháo lòng ngon, bí quyết làm lòng dồi và luộc lòng ngon trắng giòn cũng được bật mí ngay dưới đây.
Món lẩu cháo lòng lợn không chỉ ngon miệng mà còn mang trong nó một phần của văn hóa ẩm thực và tinh thần của người Việt. Nó thường là món ăn được thực hiện cùng nhau vào mỗi dịp cuối tuần. Các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè sẽ cùng nhau tham gia vào quá trình chuẩn bị và thưởng thức bữa ăn.
Đúng như tên gọi của nó, lẩu cháo lòng là sự kết hợp của phần cháo và lòng lợn, vừa đun sôi vừa thưởng thức trên bếp lẩu. Cháo lòng được nấu loãng một chút để thay thế cho nước lẩu, khi ăn sẽ nhúng phần lòng vào làm nóng.
Ảnh @Xu Li
Nội dung
Nguyên liệu nấu lẩu cháo lòng
- Dạ dày, tràng lợn, lòng non, gan lợn: mỗi thứ một ít
- Lòng già, khấu đuôi để nhồi lòng dồi
- Cuống họng, dải gan, mỡ chài
- Rau thơm, húng quế, hành lá
- Tiết tươi
- Gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh
- Gia vị thông dụng: mắm, muối, tiêu, bột nêm,…
Cách làm lòng dồi ngon
Tùy vào từng vùng miền và khẩu vị của gia đình, có người sẽ thích ăn dồi tiết không, có người thích cho thật nhiều rau thơm, có người lại cho đậu xanh vào nhồi dồi… Còn mình thì thích lòng dồi nhồi trong đoạn khấu đuôi, phải có tiết mỡ, mềm núng nính, béo ngậy và cũng phải thật nhiều hành răm. Có người nhồi lòng dồi vào ruột non, có người dùng ruột già nhưng với mình ngon nhất là dùng đoạn khấu đuôi. Lòng dồi nóng hổi, lớp vỏ dồi giòn dai, bên trong mềm béo, thơm đậm mùi rau thơm.
Phần nhân dồi, ngoài tiết lợn ra thì mình còn cho thêm thịt dải băm, mỡ chài, cuống họng, ít thịt xay và nhiều hành răm. Mỡ chài và thịt dải chính là bí quyết giúp miếng dồi mềm ngậy không bị khô. Có thể cho thêm lạc rang giã dập nhưng lưu ý cho lượng nhỏ thôi kẻo miếng dồi bị khô quá.
Cùng xem cách làm lòng dồi của mình nhé.
- Khẩu đuôi dùng dầu ăn và ít bột mì bóp rửa sẽ có tác dụng khử hôi cực hiệu quả. Lộn cả bên trong, dùng dao cắt bỏ những phần mỡ tật bèo nhèo. Tiếp đó, dùng chanh và muối hạt bóp rửa. Lần cuối thì rửa khấu đuôi với rượu nấu ăn. Công đoạn sơ chế này tốn khá nhiều thời gian nhưng không được qua loa đâu nhé, phải làm thật kĩ thì lòng dồi mới không bị hôi.
- Mỡ chài, cuống họng, thịt dải tất cả đem băm nhỏ. Rau thơm các loại rửa sạch, vắt cho ráo nước rồi thái nhỏ. Tiết tươi pha với nước theo tỉ lệ 1:2, thêm xíu mì chính vào rồi khuấy đều để tiết đông lại.
- Trộn tiết, mỡ chài, cuống họng, thịt dải, thịt xay, rau thơm với nhau. Nêm gia vị nước mắm, bột nêm, tiêu xay và thêm ít ớt băm vào. Lưu ý chỉ nêm nếm nhạt thôi nhé.
- Lấy chai nước lọc cắt phần cổ chai để làm phễu. Nhồi nhân vào trong đoạn khấu đuôi, lưu ý nhồi đều và lỏng tay vì khi luộc chúng còn nở ra nữa. Dùng dây lạt buộc lòng dồi thành từng đoạn ngắn rồi rửa bên ngoài cho sạch.
Luộc lòng lợn ngon
Thông thường, nếu đi ăn lẩu cháo lòng ở nhà hàng thì phần lòng sẽ không được luộc chín mà để sống. Mình nhìn như vậy hơi “ghê” nên khi ăn lẩu cháo lòng tại nhà, tất cả phần lòng đều được luộc chín rồi thái bày ra đĩa; khi ăn chỉ cần cho vào nồi cháo đợi nóng lại và thưởng thức.
Không phải ai cũng biết cách luộc lòng lợn ngon, quan trọng nhất là phải canh được nhiệt và thời gian chuẩn. Nếu luộc chưa tới thì lòng chưa chín mà luộc kĩ quá thì lòng bị dai.
– Khi luộc lòng, đợi nước sôi mới thả lòng vào. Khi luộc cho vài lát gừng hoặc 1 củ hành tây vào để lòng được thơm hơn.
– Các loại lòng non, tràng, gan, dạ dày có thể luộc chung 1 mẻ với nhau nhưng dồi lợn luộc riêng sau cùng. Sau khi sôi được 5-6 phút thì vớt lòng non ra nước vì chúng khá nhanh chín. Thêm 5 phút thì vớt dạ dày và tràng lợn. Vớt lòng ra thì ngâm ngay vào bát nước đá lạnh, vắt thêm quả chanh để lòng trắng giòn, không bị thâm.
– Gan, lá lách lâu chín hơn. Thời gian luộc khoảng 20 phút. Thử độ chín bằng cách xiên que và không thấy nước hồng chảy ra.
– Sau khi vớt hết toàn bộ lòng lợn thì mới thả lòng dồi vào luộc. Giảm mức nhiệt nhỏ nhất mới thả lòng dồi vào tránh làm vỡ bục lòng. Luộc tầm 3 phút thì dùng tăm nhọn để xăm. Thật khéo dùng đũa cả nhấc từng đoạn dồi lên, chỉ bất cẩn là nó sẽ vỡ vì lúc này nó chưa đông hẳn, còn mềm. Nhấc lên và dùng đầu nhọn xăm, nước và hơi sẽ theo lỗ xăm ấy thoát ra. Luộc dồi nhỏ lửa đến khi nào xăm thấy không còn nước đỏ nữa là chín.
Nấu cháo lòng
Cháo lòng thì quá quen thuộc rồi nhỉ. Nhưng vì đây là thưởng thức lẩu cháo lòng nên phần cháo sẽ loãng hơn bình thường để khi ăn mình còn nhúng thêm phần lòng vào. Tùy vào từng vùng miền mà sẽ nấu cháo hạt hay cháo xay nhuyễn kiểu bột vậy. Mình thì mình ăn cháo hạt, cháo dù được nấu nhừ nhưng vẫn còn hình dạng hạt cháo. Mình kết hợp gạo tẻ, gạo nếp và đậu xanh theo tỉ lệ 2:1:1. Đem ngâm gạo và đậu trước 30 phút cho nở mềm rồi mới cho vào nấu cháo để nhanh hơn.
Sử dụng luôn phần nước luộc lòng hoặc sử dụng xương heo để nấu cháo cho ngọt. Nấu cháo ở lửa nhỏ, khi nồi cháo sôi thì dùng muôi khuấy đều để hạt cháo nở bung. Muốn tạo màu cho cháo thì sử dụng phần tiết thừa khi làm dồi để cho vào, lưu ý cho vào khi gần hoàn thành nồi cháo vì tiết dễ bị bén nồi.
Nước chấm lòng lợn
Thưởng thức lẩu cháo lòng thì không thể thiếu bát nước chấm. Lòng luộc thông thường được chấm kèm bát mắm tôm đánh bông hoặc bát nước mắm hành đều phù hợp.
Công thức mắm tôm: Cho 1,5 thìa đường, 1,5 thìa nước cốt chanh, 1 thìa rượu trắng và 1 thìa mắm tôm ngon vào bát. Dùng đũa bánh mạnh cho mắm tôm bông đều, thêm vài lát ớt.
Công thức mắm hành: Chỉ cần cho nước mắm ngon vào bát. Cắt thêm hành tím và ớt cho vào.
Thưởng thức lẩu cháo lòng
- Lòng lợn thái miếng nhỏ vừa ăn rồi bày ra mẹt hoặc bày ra đĩa cho đẹp mắt.
- Chuyển cháo lòng vào nồi ăn lẩu chuyên dụng hoặc dùng nồi inox đế dày để khi ăn không bị bén nồi.
- Khi ăn, đun nồi cháo sôi liu riu. Thả lòng vào nồi cháo làm nóng rồi thưởng thức. Có thể ăn kèm hành cọng, rau húng hoặc rau tùy thích.
Chúc các bạn thành công với cách nấu lẩu cháo lòng mà Bếp Mina vừa chia sẻ nhé!
Trả lời