Cách làm bún đậu mắm tôm thập cẩm ngon chuẩn vị Hà Nội, bí quyết pha mắm tôm bông nổi không tanh sẽ được Bếp Mina chia sẻ chi tiết dưới đây.
Bún đậu mắm tôm, ngay cái tên đã thấy được sự kết hợp hài hòa giữa bún, đậu phụ và bát mắm tôm… những món ăn nghe tên đã thấy giản dị gần gũi. Chắc biết bún đậu mắm tôm xuất hiện từ bao giờ nhưng ngày nay nó đã được coi là món đặc trưng của ẩm thực đường phố Hà Nội. Một mẹt bún đậu đầy đủ sẽ gồm rất nhiều thức ăn kèm: bún lá, đậu phụ chiên vàng giòn, thịt chân giò luộc, nem rán, lòng lợn, dồi chiên và không thể thiếu chả cốm.
Bún đậu mắm tôm có thể dùng làm bữa trưa, bữa tối hay bữa phụ đều được, ăn mùa hè hay mùa đông đều ngon. Bạn dễ dàng tìm kiếm một quán bún đậu ở mọi con phố Hà Nội. Bạn cũng có thể tự làm một mẹt bún đậu cho ngày cuối tuần vừa ngon lại hợp vệ sinh để chiêu đãi gia đình. Để Bếp Mina chia sẻ cách làm bún đậu thập cẩm ngay dưới đây nhé.
Nội dung
Nguyên liệu làm bún đậu mắm tôm
- Bún lá tươi: 1kg
- Thịt chân giò: 500g
- Đậu phụ: 6 bìa
- Chả cốm: 300g
- Lòng non: 300g
- Dồi lợn: 400g
- Nõn đuôi: 300g
- Mắm tôm ngon
- Chanh, ớt, đường
- Hành tím
- Rượu trắng
- Rau ăn kèm: kinh giới, tía tô, mùi….
Nếu như một phần bún đậu mắm tôm cơ bản chỉ gồm có bún, đậu phụ chiên giòn, mắm tôm và ăn cùng các loại rau thơm thì mẹt bún đậu mắm tôm thập cẩm có thêm nhiều topping ăn kèm tùy thích như thịt luộc, dồi trường, dạ dày, chả cốm, nõn đuôi chiên… Nói chung là nhà bạn thích ăn gì thì chuẩn bị phần nguyên liệu đấy nhé.
Đậu phụ là nguyên liệu đơn giản nhưng để ăn bún đậu ngon nhất thì phải dùng đậu phụ làng Mơ, loại đậu này có độ mềm mịn và thơm béo hơn những loại đậu khác. Bún phải là loại bún lá ăn sẽ ngon hơn bún rối, chọn mua bún tươi mới chứ không dùng bún qua ngày bị chua. Bạn cũng có thể biến tấu dùng bún gạo lứt, bún ép…
Mắm tôm là linh hồn của món bún đậu, ăn bún đậu mà thiếu mất mắm tôm ngon thì đã mất đi 50% độ ngon rồi. Mắm tôm ngon nhất phải là mắm tôm Ba Làng ở Thanh Hóa, loại mắm có mùi thơm vị thanh, không mặn chát.
Cách làm bún đậu mắm tôm thập cẩm
Có thể nói cách làm bún đậu mắm tôm full topping tại nhà sẽ mất khá nhiều thời gian vì nó gồm nhiều thức ăn kèm. Tùy sở thích bạn có thể dùng thêm lòng dồi luộc, dồi sụn chiên, chả cốm, nem rán,…
Sơ chế và luộc thịt bắp giò
Thịt bắp giò chọn những bắp chân trước thì thịt sẽ mềm ngọt, có lẫn gân nên ăn ngon hơn. Đầu tiên, hãy rửa thịt lợn với nước muối loãng hoặc nước rượu nấu ăn giúp khử mùi hôi và chất bẩn hiệu quả. Dùng dây chỉ cuộn chặt miếng thịt bắp giò; làm như vậy thì khi luộc thịt sẽ săn chắc, miếng thịt thái ra có vân đẹp mắt. Cho thịt bắp giò vào nồi, đem chần 3-4 phút để ra hết bọt bẩn. Rửa lại thịt thật sạch rồi để ráo nước.
Luộc thịt lợn ngon cũng cần có bí quyết, phải căn đúng nhiệt và thời gian luộc. Cho thịt bắp giò vào nồi đổ ngập nước, thêm hành tím thái lát, 1 thìa bột nêm rồi cho lên bếp luộc. Khi nồi thịt sôi, dùng muôi hớt bỏ bọt để thịt được thơm hơn. Hạ nhỏ lửa, luộc thịt trong thời gian 20-25 phút tùy kích thước miếng thịt. Tắt bếp ủ thịt thêm 10 phút là thịt chín mềm. Vớt thịt chân giò, thả ngay vào bát nước đá lạnh giúp thịt săn chắc và không bị thâm. Sau đó vớt thịt ra cho ráo rồi thái thành từng lát mỏng vừa ăn.
Làm chả cốm ăn bún đậu
Chả cốm cũng là thành phần hay ăn kèm bún đậu. Nếu có thời gian bạn hãy tự làm chả cốm tại nhà, vừa ngon lại đảm bảo an toàn thực phẩm. Còn không, bạn mua chả cốm bán sẵn tại chợ hoặc mua loại chả cốm đóng gói hút chân không về chỉ việc đem chiên. Bếp Mina hướng dẫn công thức làm chả cốm đơn giản, bạn có thể tham khảo nhé.
Chuẩn bị
- Cốm tươi: 200g
- Thịt lợn xay: 300g
- Giò sống: 200g
- Trứng gà: 1 quả
- Hành tím: 1-2 củ
- Gia vị: nước mắm, bột nêm, tiêu xay
Thực hiện
Bước 1: Trộn cốm tươi với trứng gà, để 10 phút cho cốm được mềm hơn.
Bước 2: Trong một cái bát, cho thịt xay và giò sống vào cùng. Nêm 1 thìa nước mắm, 1 thìa bột nêm và 1/2 thìa tiêu xay cho thịt ngấm gia vị.
Bước 3: Cho cốm vào bát thịt trộn đều. Dùng thìa quết như quết giò để chả được dai ngon hơn. Sau đó, bọc kín bát và cho vào ngăn mát tủ lạnh 20 phút
Bước 4: Thoa lớp dầu ăn vào tay, xúc từng phần chả cốm nặn thành miếng dẹt
Bước 5: Cho chả cốm vào xửng hấp 10 phút để miếng chả chín tới. Nếu có lá sen, bạn lót xuống đáy xửng để chả cốm có mùi thơm hấp dẫn hơn. Sau khi hấp xong thì gắp chả cốm ra ngoài để nguội.
Bước 6: Cho dầu ăn vào chảo làm nóng. Cho từng viên chả cốm vào chiên vàng 2 mặt
Chả cốm chiên có lớp vỏ vàng giòn phủ lớp cốm xanh quyện trong chả giò và thịt heo xay thấm vị. Hương cốm dẻo bùi khiến người ăn khó lòng cưỡng lại được
Chiên đậu phụ
Tưởng chừng như một món ăn đơn giản nhưng bí quyết làm đậu phụ chiên giòn thì không phải ai cũng biết. Miếng đậu nóng hổi, bên ngoài giòn rụm bên trong lại xốp chấm cùng bát mắm tôm đánh bông thì đúng chuẩn bài.
Đầu tiên, đậu phụ mua về cần rửa qua nước lã cho sạch bụi bẩn bám bên ngoài. Tiếp đó, dùng khăn hoặc giấy ăn thấm cho miếng đậu thật ráo nước. Nếu có thời gian, hãy cho đậu vào ngăn mát tủ lạnh 30 phút sẽ giúp đậu chiên dễ giòn hơn.
Cho dầu ăn vào chảo đun nóng già, lượng dầu ăn nhiều một chút đủ để ngập được đậu. Cắt đậu phụ thành từng miếng vuông nhỏ vừa ăn rồi thả vào chảo dầu. Chiên đậu ở lửa vừa để đậu chín vàng từ từ mà không bị cháy xém. Đậu phụ chiên muốn giòn thì phải chiên 2 lần. Lần đầu sau khi chiên chín tới thì bạn vớt đậu ra giấy thấm dầu để cho nguội. Làm nóng lại chảo dầu, cho đậu vào chiên lần 2 đến khi đạt vàng giòn như ý.
Chế biến dồi trường
Thông thường, mẹt bún đậu thập cẩm sẽ có thêm phần lòng dồi chiên, lòng non. Tùy vào sở thích ăn uống mà bạn có thể chuẩn bị thêm dạ dày luộc, cuống họng luộc, gan luộc, tràng lợn luộc hay cầu kì hơn là nõn đuôi chiên rất ngon.
Lòng non, dạ dày mua về cần được sơ chế đúng cách để không bị hôi. Bí quyết là dùng chanh và muối bóp rửa nhiều lần cà bên trong và bên ngoài. Hoặc bạn dùng bột mì bóp rửa cũng sạch nhanh chóng. Bắc nồi nước sôi, thả vào vài lát gừng và 1 thìa rượu, khi nước sôi mới thả lòng vào luộc. Thời gian luộc lòng non là 7-8 phút, luộc dạ dày và lưỡi lợn là 20-25 phút, luộc gan lợn 10-12 phút.
Lòng dồi sau khi luộc chín, bạn vớt ra thả ngay vào bát nước lạnh có vắt thêm 1 quả chanh sẽ giúp lòng trắng và có độ giòn. Chờ lòng nguội thì đem thái miếng vừa ăn.
Pha mắm tôm ăn bún đậu
Mắm tôm chính là linh hồn của món bún đậu. Sẽ thật đáng tiếc nếu như bạn không ăn được mắm tôm bởi nó sẽ giảm đi 50% độ ngon của món ăn này. Có những người sẽ rất khó chịu với mùi vị này nhưng một khi đã ăn vào thì lại chỉ có “nghiện”.
Để pha mắm tôm ngon phải lựa chọn mắm tôm ở làng mắm cổ truyền lâu đời vùng Ba Làng – Tĩnh Gia – Thanh Hóa. Mắm tôm sống có màu ửng hồng, dậy mùi thơm chứ không bị nồng nặc, vị cũng không mặn chát.
Bạn sử dụng 4 thìa mắm tôm, 1,5 thìa đường, xíu bột ngọt, thêm 1 thìa rượu trắng giúp khử mùi tanh, 1,5 thìa nước cốt chanh. Dùng đũa đánh cho hỗn hợp bông lên, thêm vài lát ớt cay. Những ai ăn được mắm tôm sống thì chỉ cần như vậy là xong. Còn không, bạn hãy đem bát mắm tôm chưng cách thủy giúp mắm chín ăn sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Còn Bếp Mina hay hay pha mắm tôm theo cách này, mình thấy mùi vị rất thơm ngon, không bị nồng mùi quá. Phần dầu ăn sau khi chiên đậu phụ, mình sẽ phi thơm 2 củ hành tím sau đó cho phần hành phi và 1 thìa dầu nóng vào bát mắm tôm đã đánh bông.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Rau thơm ăn kèm bún đậu nhất định không thể thiếu được kinh giới và tía tô. Ngoài ra, bạn dùng thêm rau mùi, mùi tàu, húng bạc hà và dưa chuột tùy ý thích. Rau nhặt lấy cọng non, rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi để ráo nước.
Thưởng thức bún đậu mắm tôm
Sau khi đã chế biến xong thì chúng ta thưởng thức thôi nào. Bạn có thể bày một mẹt bún đậu mắm tôm thập cẩm hoặc để riêng từng đĩa và bày ra bàn. Bún đậu mắm tôm phải ăn ngay sau khi đậu chiên còn nóng hổi thì mới ngon.
Hi vọng với cách làm bún đậu mắm tôm thập cẩm mà chúng mình vừa chia sẻ, bạn có thể tự tay làm một mẹt bún đậu thật ngon để chiêu đãi gia đình nhé! Đừng quên theo dõi Bếp Mina để học thêm món ngon mỗi ngày.
Trả lời