Vào bếp học cách làm bánh tằm khoai mì dẻo ngon nhiều màu sắc. Bánh tằm khoai mì là món quà vặt của người Nam Bộ với vị dẻo mềm, dậy mùi thơm đặc trưng của khoai mì, bùi bùi béo ngậy của cốt dừa.
Bánh tằm khoai mì là một món ăn vặt dân dã, quen thuộc của người dân Nam Bộ, gắn liền với kí ức tuổi thơ thế hệ 8X, 9X. Những chiếc bánh tằm sợi xanh sợi đỏ được gói ghém trong miếng lá chuối tươi là món ăn sáng, món quà vặt của bao người. Ngày nay, có rất nhiều món ăn, món bánh mới hấp dẫn, có cả những món bánh du nhập từ nước ngoài vào; bánh tằm khoai mì dần dần bị lãng quên. Mặc dù vậy, trong kí ức bao người, những chiếc bánh tằm thuôn dài với nhiều màu sắc bắt mắt, vị thơm béo dẻo ngon vẫn lưu dấu và thi thoảng muốn tìm đến thưởng thức để gợi lại những ký ức tuổi thơ.
Cũng không biết tại sao gọi là bánh tằm khoai mì. Có lẽ là nó được làm từ nguyên liệu chính là củ khoai mì (củ sắn) và có hình dạng thuôn dài như những con tằm chăng. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh tằm còn được tạo nhiều màu khác nhau như màu xanh lá dứa, màu vàng, màu tím lá cẩm….Bên ngoài sợi bánh được phủ bởi cơm dừa vụn nhìn như sợi tơ của con tằm.
Bánh tằm khoai mì ăn hơi dai dai, dẻo dẻo, có mùi thơm đặc trưng của khoai mì, béo bùi của dừa và thường được ăn chung với vừng rang chín, đường trắng. Bây giờ, cùng Bếp Mina học cách làm bánh tằm khoai mì đủ màu sắc của người Nam Bộ nhé.
Nguyên liệu làm bánh tằm khoai mì
Để mẻ bánh tằm khoai mì đạt chuẩn mềm dẻo ngon, thơm bùi thì thành phần nguyên liệu (nước lá dứa, nước lá cẩm, nước cốt dừa, đường, sữa,…) phải cân bằng. Mình thích ăn bánh tằm vị nguyên bản, đậm mùi thơm của khoai mì chứ không bị “độn” quá nhiều bột năng, bột gạo vào. Ở đây, mình chỉ dùng một chút bột năng để bột dễ kết dính hơn thôi.
- Khoai mì (củ sắn): 1,5 kg
- Bột năng: 80g
- Nước cốt dừa: 150ml
- Đường: 80g
- Sữa đặc: 40g
- Cơm dừa vụn sấy khô: 80g
Phần tạo màu tự nhiên cho bánh
- Màu đỏ: lá cẩm đỏ, gấc chín, củ dền
- Màu tím: lá cẩm tím
- Màu vàng: quả dành dành hoặc nghệ tươi
- Màu cam: nước cam ép hoặc nước cà rốt
- Màu xanh dương: hoa đậu biếc
- Màu xanh lá cây: lá dứa
Phần tạo màu này bạn thích màu gì thì chuẩn bị phần nguyên liệu tương đương. Hãy dùng củ quả tự nhiên để tạo màu cho bánh khoai mì, vừa lên màu đẹp tự nhiên vừa đảm bảo an toàn. Tránh sử dụng bột phẩm màu vì chúng không tốt cho sức khỏe.
Cách làm bánh tằm khoai mì
Sơ chế và mài khoai mì
Củ khoai mì (củ sắn) phải chọn những củ tươi mới đào để nhiều bột nhất, không chọn những củ để lâu đã bị héo hay bị khô bầm máu sẽ không có bột. Lưu ý củ khoai mì đừng chọn củ quá to hay những củ bị gốc mắt vì chúng sẽ bị xơ.
Khoai mì đem lột vỏ sạch, ngâm nước muối loãng 4-5 giờ cho ra bớt nhựa cũng như thải bớt độc tố trong khoai. Bạn có thể ngâm khoai mì qua đêm cũng không sao nhé.
Cách làm bánh tằm khoai mì truyền thống rất chú trọng khâu mài (bào) bột. Khi mài (bào) thì vẫn còn lại những sợi khoai mì nhỏ nhỏ, khi ăn sẽ vẫn cảm nhận được hương vị đặc trưng của loại củ này. Hiện nay, mọi người thường cắt nhỏ củ khoai mì rồi cho vào máy xay sinh tố để rút ngắn thời gian làm bánh. Bột xay bằng máy sau khi vắt ráo sẽ không đạt được độ dẻo như mài thủ công. Đây chính là điểm khác biệt khiến bánh tằm kém ngon hơn so với cách làm truyền thống. Ở đây, tùy điều điện từng nhà mà bạn có thể mài, xay hoặc cho máy ép phần khoai mì này nhé.
Khoai mì sau khi được mài nhuyễn
Hoặc cho khoai mì vào máy xay sinh tố xay nhuyễn nhưng bánh thành phẩm sẽ không ngon bằng phương pháp mài
Khoai mì sau đó được cho vào túi vải hoặc tấm vải xô sạch, vắt kiệt nước, bã để riêng, nước để riêng. Phần nước cho vào bát, để im 30 phút cho bột lắng xuống dưới, lớp nước trong nổi bên trên. Bạn lọc bỏ phần nước trong để thu lấy phần tinh bột lắng phía dưới.
Trộn bột bánh tằm khoai mì
Cho phần tinh bột sắn, phần bã sắn vào bát lớn. Thêm bột năng, nước cốt dừa, sữa đặc và đường vào rồi dùng tay nhồi nhẹ nhàng. Lưu ý không cho quá nhiều bột năng vì sẽ khiến bánh tằm bị cứng. Lượng đường và sữa đặc có thể điều chỉnh tùy theo khẩu vị gia đình.
Tạo màu bánh tằm khoai mì
Để tăng thêm phần hấp dẫn và thơm ngon cho bánh tằm thành phẩm thì chúng ta sử dụng màu tự nhiên từ rau củ quả để tạo màu cho bánh. Để màu lên đẹp thì phần nước cốt củ quả bạn xay đặc một chút nhé. Chỉ cần khoảng 40-50ml nước cốt mỗi màu là được.
– Màu trắng nguyên bản: Trộn bột với nước cốt dừa
– Màu vàng: Giã 2 củ nghệ tươi cho nhuyễn, thêm xíu nước vào rồi lọc lấy 40ml nước cốt. Một cách khác là bột dành dành hoặc quả dành dành khô hòa cùng nước cho tan rồi lấy nước cốt.
– Màu đỏ: bạn dùng thịt gấc, nước ép thanh long hay nước ép củ dền đều được. Tuy nhiên, nước ép củ dền khi hấp bánh hay bị phai màu. Bạn cũng có thể dùng lá cẩm đỏ, cho vào nồi luộc 10 phút rồi lấy nước cốt.
– Màu xanh lam: Đun hoa đậu biếc (khô hoặc tươi đều được) rồi lọc lấy nước.
– Màu xanh lá cây: Lấy một nắm lá dứa và nửa bát con nước vào máy xay nhuyễn rồi lọc lấy nước cốt. Một cách khác là pha nước cốt nghệ và nước hoa đậu biếc theo tỉ lệ 1:1 sẽ cho ra màu nước xanh thẫm rất đẹp.
– Màu tím: Lá cẩm tím đem luộc 10 phút cho ra nước, để nước nguội rồi đem trộn với bột bánh.
Sử dụng nước cốt của rau củ quả tự nhiên, trộn cùng với bột để tạo màu cho bánh tằm
Nếu bạn làm bánh tằm có bao nhiêu màu thì chia khối bột ở trên thành bấy nhiêu phần nhé. Cho phần nước rau củ quả đã nguội vào từng cục bột rồi trộn nhẹ nhàng cho hòa quyện. Bột lúc này phải hơi ướt một chút thì khi hấp chín bánh mới dẻo mềm, không bị khô cứng nhé.
Hấp bánh tằm khoai mì
Cho từng màu bột vào tấm lá chuối hoặc giấy nến. Dàn đều bột, mỏng khoảng 5-6mm là được. Bạn có thể hấp bánh tằm khoai mì bằng nồi hấp, xửng hấp hoặc sử dụng nồi chiên không dầu có chế độ hấp.
Khi hấp bánh nên đặt một chiếc khăn trên miệng nồi xong mới úp vung. Việc này sẽ hạn chế được nước rơi xuống bánh khi nước sôi bốc hơi đọng sương ở trên vung nồi. Thời gian hấp bánh tằm là 15-20 phút tính từ lúc nước sôi là được. Khi chín thì khoai chuyển qua màu trong, mặt khoai hơi se lại, và khoai kết dính thành 1 khối.
Hoàn thành bánh tằm khoai mì
Bánh tằm sau khi hấp chín thì lấy ra ngoài để nguội. Rắc một ít cơm dừa vụn lên 2 mặt bánh rồi dùng một con dao sắc thái bánh thành từng sợi nhỏ. Rắc thêm cơm dừa cho phủ đều lên từng sợi bánh để tránh chúng dính vào nhau.
Làm muối mè ăn kèm: Lạc, vừng rang chín giã nhỏ, thêm đường tuỳ khẩu vị, thêm xíu xíu muối. Rắc lên bánh ăn kèm. Khi nào ăn mới rắc tránh rắc lâu đường chảy gây chảy nước ở bánh.
Mẻ bánh tằm khoai mì đạt chuẩn phải có màu sắc đẹp tự nhiên bắt mắt. Bánh mềm dẻo ngon, thơm mùi đặc trưng của khoai mì, nước cốt dừa. Nếu là người sành ăn, bạn sẽ nhận ra ngay đâu là bánh tằm được pha trộn với các loại bột gạo, bột năng bởi bánh sẽ dai cứng và không nổi bật được vị đặc trưng của khoai mì.
Bánh tằm khi ăn sẽ chấm cùng với chút lạc vừng giã nhỏ trộn cùng với đường. Vì thế nên làm bánh nhạt nhạt một chút nhé
Hi vọng với cách làm bánh tằm khoai mì mà Bếp Mina vừa chia sẻ, bạn có thể tự tay vào bếp làm món quà vặt này để chiêu đãi người thân. Chúc các bạn thành công!
Trả lời