Bánh lúc lắc hay còn gọi là bánh cam, thứ quà bánh tròn xoe nhỏ xinh gắn liền tuổi thơ. Cùng Bếp Mina học cách làm bánh rán lúc lắc thành công 100%, vỏ bánh nở đều giòn xốp, nhân bánh thơm bùi, bánh kêu “lúc lắc” vui tai.
Bánh lúc lắc/ bánh cam là một trong những chiếc bánh của tuổi thơ. Có lẽ vì bánh tròn xoe, nhỏ nhỏ, xinh xinh như quả cam mà được gọi là bánh cam. Và thành phẩm khi hoàn thành thì phần nhân phải tách khỏi vỏ, cầm lắc nhẹ nghe tiếng “lúc lắc” nên mới có tên như vậy.
Ảnh @Huỳnh Ngọc Mỹ Phương

Nội dung
Nguyên liệu làm bánh rán lúc lắc
A. Phần vỏ bánh
- Bột nếp: 200g
- Bột gạo: 80g
- Bột nở (baking powder): 6g
- Khoai tây hấp chín nghiền nhuyễn: 180g
- Đường: 60g (tăng giảm tùy độ ngọt)
- Dầu ăn: 45g
- Nước sôi: 200g
B. Phần nhân bánh
- Đậu xanh cà vỏ: 200g
- Đường: 200g
- Dầu ăn: 10g
- Bột nếp: 5g + 4 thìa nước
- Tinh chất vani: 1 thìa cafe
- Muối tinh: 1 nhúm nhỏ
- Dừa sợi nếu thích
- Vừng rang lăn bên ngoài
Ảnh @Huỳnh Ngọc Mỹ Phương
Cách làm bánh rán lúc lắc
Trộn vỏ bánh
- Trộn bột nếp, bột gạo, bột nở chung với nhau
- Phần khoai tây đem hấp chín rồi nghiền cho nhuyễn khi còn ấm nóng. Lấy 180g khoai tây nghiền trộn cùng với bát bột khô bên trên
- Hòa nước sôi với đường cho tan. Đổ từ từ nước sôi và dầu ăn vào bát bột, trộn để bột nở đều. Tùy từng loại bột mà độ hút nước sẽ khác nhau, chính vì thế chỉ cho từ từ từng ít nước, đến khi khối bột dẻo mịn không còn dính tay nữa là được. Bọc kín bát bột cho nghỉ 40 phút
Nhân bánh lúc lắc
- Đậu xanh ngâm nước 4 giờ cho nở mềm rồi đãi cho thật sạch. Hấp chín đậu xanh với xíu muối. Cho đậu xanh, đường và 1 bát con nước vào máy xay cho nhuyễn
- Cho hỗn hợp đậu xanh vào chảo chống dính và bắt đều sên nhân. Sên ở lửa nhỏ đến khi rút bớt nước, bắt đầu sền sệt lại thì cho dầu ăn vào đảo đều và tiếp tục sên. Hòa bột nếp và nước rồi cho vào nhân để tạo độ dẻo. Sên nhân đậu xanh đến khi nhân dẻo mịn, róc chảo là được. Nếu cho dừa sợi thì cho vào lúc cuối và trộn đều
- Khi nhân đậu xanh còn ấm nóng thì chia nhân thành các phần nhỏ đều nhau rồi vê tròn lại. Với lượng trên, mình chia khoảng 25 cái nhỏ.
Tạo hình bánh lúc lắc
- Bột sau khi nghỉ xong thì lấy ra ngoài, nhào lại nhẹ nhàng. Chia bột thành 25 phần đều nhau
- Lấy từng phần vỏ vỏ tròn lại rồi ấn dẹt. Đặt nhân đậu xanh vào giữa rồi khéo léo bọc kín bánh. Ve bánh càng tròn, càng đều nhau sẽ càng đẹp. Làm lần lượt cho hết phần bánh
- Sử dụng bình xịt, xịt một lớp sương mỏng để bánh có đủ ấm. Lăn bánh qua lớp vừng để dính đều lên bánh. Vo nhẹ nhàng lại để bánh tròn và vừng bám dính được vào bánh
Chiên bánh lúc lắc
- Bắt chảo lên bếp, cho một lượng dầu ăn đủ để chiên ngập được bánh. Khi dầu sôi già, kiểm tra bằng cánh cho đầu đũa vào thấy dầu sôi, nổi bọt mạnh xung quanh là đạt. Thả bánh vào, cho từng ít một chứ không cho quá nhiều. Dùng đũa đẩy nhẹ để bánh nở tròn đều mà không bị bục vỡ.
- Khi bánh đã vàng đều thì vớt ra giấy thấm dầu cho ráo.
Thành phẩm bánh rán lúc lắc
Bánh rán lúc lắc (bánh cam) tròn xoe, nhìn đều nhau rất đẹp mắt. Phần vỏ bánh mềm xốp, nở tung tách ra khỏi phần nhân. Đưa bánh lên lắc nhẹ, ta nghe từng tiếng “lúc lắc” của nhân bên trong là đạt. Bánh mới chiên xong còn nóng ăn là ngon nhất. Bánh vỏ ngoài giòn vàng, bên trong hơi dẻo dẻo, thơm bùi của nhân đậu xanh.
Ảnh @Huỳnh Ngọc Mỹ Phương
Lưu ý khi làm bánh rán lúc lắc
Cách làm bánh cam/ bánh lúc lắc không quá khó nhưng để làm thành công thì lại cả một vấn đề. Tại sao bánh bị nứt? Tại sao nhân không lúc lắc? Hay tại sao vỏ bánh bị xẹp sau khi ra xong… Dưới đây là một vài lưu ý, bạn phải đọc kĩ trước khi bắt tay vào làm nhé.
– Với cách làm bánh này, bột gạo là cần thiết thì bột gạo sẽ làm vỏ bánh được giòn
– Khoai tây có thể thay bằng khoai lang, sử dụng bột khoai tây cũng được. Nó giúp bánh được mềm xốp bên trong vỏ và cũng cân đối vị giòn cứng quá của bộ gạo.
– Sên nhân phải đạt đến độ dẻo nhưng không được khô cứng. Nếu nhân bị ướt quá thì nhân bị chảy và thành phẩm sẽ không “lúc lắc” được
– Để bánh rán xong tròn đẹp, không bị nứt lòi nhân thì bước bọc nhân phải thật cẩn thận. Vỏ bánh phải được miết để ôm sát vào nhân, không được hở hay còn khí ở bên trong. Bọc bánh xong bạn dùng tăm nhọn chọc những lỗ nhỏ để khí thoát hết ra ngoài rồi nhẹ nhàng vo tròn bánh lại.
– Nhiều trường hợp chiên bánh không nở vì dầu quá nóng hoặc quá nguội, nên nhiệt độ đảm bảo cho bánh nở là từ 140 độ C đến 150 độ C.
– Bánh khi chiên phải đè ngập mặt dầu đảo tròn để bánh không bị bể và nở căng tròn.
– Sau khi chiên xong mẻ đầu thì phải cho chảo ra ngoài cho nhiệt độ dầu nguội bớt mới thả bánh vào chiên mẻ thứ hai. Nếu cho luôn bánh vào chiên thì nhiệt độ dầu quá nóng sẽ làm bánh bị cháy, không nở được.
Trên đây Bếp Mina vừa chia sẻ cho các bạn cách làm bánh rán lúc lắc giòn ngon. Nghe có vẻ dài dòng nhưng khi bắt vào thực hiện lại khá đơn giản, tỉ lệ thành công cao. Tự tay vào bếp làm những chiếc bánh nhỏ xinh đẻ chiêu đãi gia đình cũng là niềm vui ngày cuối tuần. Chúc các bạn thành công! Theo dõi Bếp Mina để học thêm công thức món ngon mỗi ngày nhé!
Để lại một bình luận