Bánh răng bừa xứ Thanh được làm bởi những nguyên liệu dân giã: bột gạo tẻ, nhân thịt băm, mộc nhĩ, hành khô… ấy vậy mà hương vị thơm ngon làm xuyến xao bao người con xa quê. Cùng học cách làm bánh răng bừa dẻo ngon chuẩn vị của người dân nơi đây nhé.
Bánh răng bừa – đặc sản tiến vua Thanh Hóa
Bánh răng bừa Thanh Hóa, mới nghe cái tên đã thấy tò mò. Có lẽ tên gọi như vậy bới hình dáng bánh nhỏ thon dài như hình những chiếc răng bừa gắn liền với một loại công cụ lao động của người nông dân thời xưa. Cũng chẳng biết bánh răng bừa có từ bao giờ nhưng chiếc bánh này đã gắn liền với cuộc sống bình dị của người dân Thanh Hóa từ xa xưa. Bánh răng bừa trở thành bánh truyền thống không chỉ được làm vào ngày rằm, ngày lễ, giỗ chạp hay Tết Nguyên đán mà ngày nay hầu hết người dân địa phương làm bánh quanh năm để phục vụ cả du khách khi đến với xứ Thanh.
Bánh lá răng bừa có nguồn gốc từ làng Trung Lập, xã Xuân Lập – Thọ Xuân – Thanh Hóa. Chiếc bánh gắn liền với điển tích có thật trong lịch sử nước Việt là vua Lê Đại Hành đã đích thân xuống ruộng cày bừa trong lễ hội đầu năm. Để tưởng nhớ công lao của vị vua, người dân làng đã làm nên chiếc lá răng bừa để tiến vua.
Người dân nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh với hương vị riêng để dâng lên các vị vua. Chiếc bánh có hình răng bừa gắn liền với một công cụ lao động của người dân xứ Thanh thời xưa, đây cũng là hình tượng từ những thành quả lao động cần cù của họ.
Có người khi mới nhìn qua thì nói rằng bánh răng bừa Thanh Hóa giống với bánh tẻ (nổi tiếng vùng Sơn Tây hay Văn Giang của Hưng Yên). Tuy nhiên 2 loại bánh này hoàn toàn khác nhau nhé. Về hình dáng thì bánh răng bừa sẽ nhỏ và thon hơn, bánh tẻ to hơn. Bánh răng bừa được làm từ bột gạo tẻ nên dẻo thơm, còn bánh tẻ có pha lẫn cả bột năng nên ăn bánh sẽ có độ giòn dai nhất định.
Cách làm bánh răng bừa Thanh Hóa
Nguyên liệu làm bánh răng bừa đơn giản, gồm có gạo tẻ và nhân thịt lợn băm, mộc nhĩ, hành khô… bánh được gọi bằng lá dong nhỏ hoặc lá chuối. Tuy nhiên để có những chiếc bánh dẻo thơm ngon thì không phải ai cũng biết. Nó đòi hỏi kinh nghiệm, bí quyết riêng mà quan trọng nhất chính là công đoạn giáo bột. Ở Thanh Hóa có những làng chuyên làm bánh răng bừa rất nổi tiếng để phục vụ dân địa phương và khách du lịch. Bây giờ cùng xem cách làm bánh răng bừa thực hiện như nào nhé.
Nguyên liệu chuẩn bị
Phần nguyên liệu dưới đây cho ra 100 bánh răng bừa thành phẩm. Nghe số lượng nhiều thôi chứ chiếc bánh nhỏ xíu, mỗi người ăn một lần là hết cả chục chiếc
- Gạo tẻ: 2kg (dùng loại gạo xi hoặc gạo mười ba chân hai chuyên dùng làm bánh)
- Thịt lợn: 700g (thịt ba chỉ hoặc vai có lẫn mỡ để nhân được mềm béo, không bị khô quá)
- Mộc nhĩ: 200g
- Hành khô: 200g
- Hành lá: 100g (nguyên bản sẽ không cho hành lá vì sẽ làm bánh bị chua, còn nếu bạn làm bánh ăn luôn thì có thể cho vào để thơm hơn)
- Tiêu xay (nhiều tiêu xay cho thật thơm)
- Muối, mắm
- Lá dong
Làm bánh răng bừa ngon chuẩn vị
Sơ chế nguyên liệu
– Gạo tẻ nhặt sạch những hạt sâu, hạt sạn rồi cho vào ngâm 3-4 giờ cho gạo mềm. Tác dụng để gạo ngậm nước khi xay bột được mịn và bột bánh được mềm dẻo Sau khi ngâm xong thì đãi lại gạo cho sạch hết nước chua rồi để ráo nước
– Thịt lợn rửa bằng nước muối để khử mùi hôi. Rửa thịt sạch rồi đem băm nhỏ
– Mộc nhĩ ngâm cho nở mềm, cắt bỏ chân rồi băm nhỏ
– Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ
– Lá dong rửa sạch, để ráo. Dùng kéo cắt bớt phần cuống lá và đuôi cho gọn
Nhân bánh răng bừa
Phi thơm hành tím thì cho thịt lợn băm vào xào săn. Cho mộc nhĩ vào xào cùng. Nêm gia vị nước mắm, muối, bột nêm và nhiều tiêu xay cho vừa khẩu vị. Bạn chỉ nêm nhạt một chút, không nêm mặn nhé.
Xay và giáo bột bánh răng bừa
Gạo ngâm đem đi xay với nước theo tỉ lệ 1:1, có người sẽ xay bằng máy công nghiệp còn ngày xưa sẽ dùng cối đá xay thủ công. Ngày nay nếu làm bánh cho gia đình ăn, bạn có thể xay gạo bằng máy xay sinh tố nhưng chắc chắn là bột sẽ không được dẻo và mịn bằng xay thủ công rồi.
Công đoạn quan trọng nhất quyết định đến thành phẩm chính là “giáo bột”. Bước đánh bột làm vỏ bánh rất đặc biệt quan trọng, nó sẽ quyết định thành – bại của món ăn này, vì vậy bạn phải đánh bột thật kĩ để bánh khi ăn sẽ thật ngon và chuẩn vị.
Người xưa sẽ giáo bột bằng phương pháp cách thủy. Đầu tiên cho một ít nước vào chảo lớn đun sôi rồi đặt nồi bột lên trên chao nước. Tay quấy liên tục và đều tay để đánh tan các cục bột và không bị bén nồi. Khi bột hơi quánh lại, thấy nặng tay, bột dở sống dở chín là được. Nhấc nồi bột ra ngoài, tiếp tục dùng đũa cái đánh tiếp để bột đặc hơn và không bị vón cục. Giáo bột phải đạt thì bánh mới dẻo ngon, khi gói bánh không bị dính bột vào lá.
Gói bánh răng bừa
Gói bánh đòi hỏi sự khéo léo và nhanh tay vì phải gói khi bột còn ấm nóng chứ nếu để bột nguội thì bánh sẽ bị cứng. Dùng đũa lấy một phần bột nhỏ, phết một đường dài vào chính giữa lá dong dọc theo chiều lá. Tiếp đó lại dùng đũa lấy phần nhân phết đều lên bột bánh. Miết cạnh lá chặt tay và kéo bột thuôn dài về hay đầu để bánh thon dài và giữ chặt nếp. Gấp 2 đầu lá lại là được mà không cần dùng dây lạt để buộc.
Bánh gói xong sẽ dùng dây chuối buộc thanh những cột 5 cái.
Luộc bánh răng bừa
Bạn có thể luộc bánh hoặc hấp cách thủy. Xếp bánh vào nồi, đổ nước vào nồi luộc 20-30 phút tùy theo khối lượng bánh.
Bảo quản bánh răng bừa
Nếu muốn bảo quản bánh răng bừa được lâu, bạn bảo quản bánh sống ở trong ngăn đá. Khi ăn, chỉ cần lấy bánh cho xuống ngăn mát để bánh tan đá rồi đem hấp/luộc, bánh vẫn dẻo ngon như bình thường. Bánh bỏ ngăn đá để được cả tháng vẫn ngon.
Bánh răng bừa đã luộc thì nên ăn ngay trong ngày, ngon nhất là ăn khi mới luộc xong còn nóng. Bánh đã luộc mà cho vào tủ lạnh, khi ăn đem hấp lại thì bánh cũng giảm bớt đi độ dẻo ngon.
Trả lời