Tết này, cùng vào bếp học cách làm kẹo chuối từ chuối tươi và chuối ép khô, món kẹo nổi tiếng của miền Tây gắn liền tuổi thơ bao người. Kẹo chuối dẻo thơm ngọt nhẹ từ chuối, chua chua của dứa, bùi bùi của lạc, ấm nồng của gừng… nhâm nhi cũng tách trà nóng trong tiết trời se lạnh cuối năm thật tuyệt vời.
Kẹo chuối là món ăn ăn gắn liền với tuổi thơ bao người, có nguồn gốc từ vùng đất Bến Tre. Vị dẻo ngọt của chuối, thơm của dứa chín quyện trong bùi bùi của đậu phộng, ấm nồng của gừng tạo nên nét đặc trưng riêng cho món quà bánh này. Vào những ngày gần Tết, người người nhà nhà lại vào bếp làm vài mẻ kẹo chuối dẻo thơm để đãi khách hoặc đem biếu tặng người thân. Mặc dù ngày nay có nhiều đồ ăn, nhiều loại bánh kẹo ngon nhưng kẹo chuối vẫn là một cái gì đó rất thân thuộc mà ngày Tết không có nó lại thấy thiếu thiếu. Hơn nữa, tự tay làm kẹo handmade vừa ngon, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, cũng là dịp để gắn kết mọi người trong gia đình hơn. Cùng Bếp Mina học cách làm kẹo chuối dẻo ngon với công thức cực đơn giản dưới đây.
Cách làm kẹo chuối tươi dẻo
Nguyên liệu chuẩn bị
Kẹo chuối được kết hợp từ phần chuối xiêm chín ngọt thơm cùng với một ít dứa chín để có vị chua nhẹ. Lượng đường cho vào ít hay nhiều tùy độ ngọt, thông thường mình sẽ dùng 0,4kg đường cho 1kg chuối chín sẽ cho độ ngọt vừa phải. Nếu cho quá ít đường thì kẹo sẽ không dẻo và kết dính với nhau được, còn nhiều thì lại bị ngọt quá. Một ít mạch nha được cho vào giúp kẹo chuối dẻo hơn, không bị cứng khi để lâu. Còn nước cốt chanh có tác dụng ngăn không cho kẹo bị lại đường.
Với mỗi mẻ kẹo chuối tươi, mình sẽ chuẩn bị phần nguyên liệu như bên dưới:
- Chuối xiêm chín lột vỏ: 1kg
- Dứa chín: 1 quả khoảng 300g
- Gừng tươi: 50g
- Mè rang: 30g
- Lạc rang: 50g
- Đường trắng: 400g
- Mạch nha: 30g
- Nước cốt chanh: 1 quả
- Cơm dừa khô: 30g (không có bỏ qua)
Làm kẹo chuối ngào đường
- Chuối xiêm lột vỏ, cho vào bát rồi dùng muỗng dầm nhuyễn. Bạn cũng có thể cho vào máy xay xay nhuyễn nhưng mình thích nó còn lợn cợn miếng chuối để cảm nhận rõ vị hơn.
- Dứa chín sau khi gọt vỏ, bỏ mắt thì cho vào máy xay nhuyễn, vắt bỏ bớt nước để rút ngắn thời gian sên. Hoặc nếu có máy ép hoa quả, bạn cho dứa vào ép và chỉ lấy phần bã cho vào kẹo chuối.
- Gừng tươi cạo sạch vỏ, thái sợi nhỏ
- Mè (vừng) dùng loại hạt trắng hay đen đều được. Đem rang ở lửa nhỏ cho chín thơm rồi xát bỏ bỏ. Lưu ý mè rang rất nhanh chín nên cần để lửa nhỏ và đảo đều tay, khi nào nghe tiếng nổ “lét đét” là được. Lạc cũng đem rang chín rồi bỏ vỏ, đập cho dập hoặc vỡ đôi.
- Cho dứa cùng với đường vào chảo, sử dụng chảo to đế dày để tránh bị cháy khét. Để lửa ở vừa cho đường tan từ từ, thi thoảng đảo đều cho đến khi đường tan hết và dứa trong lại, hạ mức lửa nhỏ nhất.
- Cho chuối dầm nhuyễn cùng gừng sợi vào chảo đảo cùng. Nên dùng muôi gỗ hoặc silicon để đảo để tránh làm nóng tay. Sên đều tay giúp cho kẹo chuối nhanh thoát hơi nước và khô đặc lại.
- Khi hỗn hợp kẹo chuối sên đã đặc sệt lại thì cho mạch nha vào đảo đều, tiếp tục sên ở mức nhiệt trung bình. Kiểm tra kẹo chuối đạt chưa bằng cách chuẩn bị một bát nước lạnh, cho chút kẹo vào bát nước thấy không bị tan, dùng tay bóp thấy cục kẹo dẻo dẻo là được.
- Cho nước cốt chanh vào chảo kẹo đảo đều. Cho cơm dừa, lạc rang, vào đảo đều rồi nhấc khỏi bếp
- Chuẩn bị khay phẳng, nếu có khay chống dính càng tốt, còn không thì sử dụng giấy nến lót xuống dưới đáy khay. Rải một lớp vừng đen xuống dưới rồi cho phần kẹo chuối vào. Dùng thìa hoặc đeo bao tay nhanh chóng dàn đều kẹo thành lớp mỏng khoảng 2-3cm, bước này phải làm thật nhanh vì khi kẹo nguội chúng sẽ cứng lại không thể dàn được. Rắc nốt lớp vừng còn lại lên trên mặt
- Cho khay kẹo chuối tươi dẻo vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 giờ, chờ cho chúng cứng lại hoàn toàn. Lúc này lấy kẹo ra và dùng dao sắc, cắt thành từng phần kẹo nhỏ.
- Dùng giấy gạo bọc viên kẹo, cho vào hũ kín bảo quản.
Kẹo chuối thành phẩm có màu vàng nâu hoặc nâu đậm tùy thuộc vào loại đường và chuối sử dụng, Kẹo chuối dẻo và rất thơm, vị chua ngọt hài hòa, thơm đặc trưng của chuối chín và dứa, hơi cay nhẹ của gừng, bùi bùi của lạc vừng. Nhâm nhi kẹo chuối cùng với tách trà nóng trong tiết trời cuối năm, cảm thấy ngày dường như trôi chậm lại, lòng thanh thản, bình yên, êm ả hơn.
Cách làm kẹo chuối từ chuối khô
Nếu nói về kẹo chuối nguyên bản của người miền Tây thì phải sử dụng loại chuối chín được ép khô rồi mới đem đi nấu kẹo. Từng quả chuối xiêm chín được lột vỏ, đặt vào lớp màng bọc thực phẩm rồi cán cho dẹt ra, đem phơi nắng 1-2 nắng là được. Hầu như khay bánh kẹo ngày Tết của người miền Tây nhà nào cũng có những loại bánh kẹo tự làm bằng những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà, và kẹo chuối cũng thế.
Cứ vào độ tháng 12, các bà các mẹ bắt đầu hái hoặc mua chuối chín, ép phơi khô để làm kẹo, Chạy dọc con đường quê, nhà nào cũng thấy từng mẹt chuối phơi trước sân nhà. Đến khi cúng đưa ông Táo về trời là bắt đầu sên kẹo. Ăn thì không có bao nhiêu nhưng thích nhất vẫn là cái không khí tất bật, xum vầy khi làm kẹo.
Nguyên liệu làm kẹo chuối
- Chuối ép phơi khô: 1kg
- Dứa chín: 1 quả 300g
- Đường thốt nốt: 600g
- Nước cốt dừa: 1 lon 300ml
- Gừng tươi: 100g
- Lạc (đậu phộng) rang: 10g
- Mè (vừng) rang: 50g
- Mạch nha: 30g
Làm kẹo chuối từ chuối khô
Sơ chế nguyên liệu
– Chuối khô đem thái thành sợi nhỏ
– Dứa chín cho vào máy xay nhuyễn
– Lạc, vừng rang cho chín thơm rồi đem xát bỏ vỏ
– Gừng tươi cạo sạch vỏ, đem thái sợi
Sên kẹo chuối
- Cho chuối, dứa xay, đường thốt nốt, nước cốt dừa vào trong chảo to, dùng loại chảo dày chống dính để không bị cháy bén đáy nồi.
- Ban đầu cứ sên ở lửa vừa cho hỗn hợp nhanh cạn, thi thoảng đảo đều. Đến khi hỗn hợp bắt đầu sệt lại, quấy thấy nặng tay thì cho tiếp gừng sợi vào cùng
- Hạ mức lửa nhỏ nhất, sên đến khi kẹo chuyển màu sẫm, rất dẻo thì cho tiếp mạch nha vào. Tiếp tục sên đến khi kẹo dẻo, không dính tay là đạt
- Cho lạc rang vào cùng, đảo đều rồi nhấc ra khỏi bếp
Cho kẹo vào khuôn
– Sử dụng khuôn nhôm, khuôn silicon hoặc cho vào một cái mâm. Rải một lớp mè rang xuống dưới rồi đổ phần kẹo chuối vừa sên vào
– Dùng thìa silicon dàn đều kẹo ra khắp khuôn, ấn nhẹ để ép. Rắc nốt phần mè rang còn lại lên trên. Bạn có thể dùng một tấm giấy nến đặt lên trên, dùng chày hoặc cổ chai lăn đều để kẹo đẹp hơn. Sau đó chờ cho kẹo nguội hoàn toàn hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh để nhanh hơn
Cắt và gói kẹo chuối
– Dùng dao sắc cắt kẹo chuối thành từng phần nhỏ vừa ăn.
– Dùng giấy gạo gói kẹo để bảo quản được lâu hơn. Kẹo chuối có thể để được cả tháng ở nhiệt độ phòng mà vẫn dẻo ngon.
Ngoài 2 cách làm kẹo chuối mà Bếp Mina vừa chia sẻ, bạn có thể biến tấu nhiều món kẹo chuối hấp dẫn hơn như kẹo chuối cuộn, kẹo chuối kẹp bánh phồng hoặc kết hợp thêm nhiều loại hạt dinh dưỡng để kẹo chuối thêm vị.
Trả lời