Cách làm siro dâu tằm và mứt dâu tằm thơm ngon, không bị nổi váng sẽ được chia sẻ chi tiết dưới đây. Tranh thủ dâu tằm chín rộ, hội chị em đua nhau làm ngâm siro để pha nước uống mát lạnh mùa hè.
Dâu tằm chín là báo hiệu mùa hè đang đến gần. Vào thời điểm tháng 3, 4 hàng năm là lúc dâu tằm chín rộ nhất và đây chính là lúc mà hội chị em đua nhau làm dâu tằm ngâm đường, làm siro dâu tằm và làm mứt dâu tằm để ăn quanh năm.
Dâu tằm có vị chua chua, ngọt ngọt, nhiều nước, có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt chứa nhiều vitamin C giúp sáng mắt, tăng cường hệ miễn dịch, hạ choresterol, rất tốt cho hệ tiêu hoá và còn nhiều công dụng hơn nữa. Tuổi thơ ai đã từng ngắm nhìn những quả dâu tằm chín mọng xuyên qua các kẽ lá lung linh trong nắng, tiện tay bứt một quả bỏ vào miệng. Phản xạ tự nhiên là nheo mắt lại vì vị hơi chua chua rồi đọng lại nơi đầu lưỡi là vị ngọt thơm thơm. Bây giờ, nhìn những sạp dâu đầy ắp ngoài chợ, lòng ai cũng tràn ngập kí ức tuổi thơ và lại chuẩn bị những hũ thủy tinh để ngâm những hũ quả thơm lừng.
Cách làm dâu tằm ngâm đường hay làm siro dâu tằm không hề khó nhưng làm sao để dâu không bị mốc, không bị nổi váng hay mùi úng thì phải tùy vào bàn tay khéo léo và bí quyết riêng từng người. Dâu ngâm cho tan hết đường sẽ được đem đi đun cho mềm nhuyễn, chắt lọc lấy phần siro dâu tằm pha nước uống. Phần xác được sên cùng đường cho sệt lại ta thu được mứt dâu tằm phết bánh mì hay ăn sữa chua đều ngon.
Dưới đây, Bếp Mina hướng dẫn bạn cách làm siro dâu tằm truyền thống và cách làm siro dâu tằm bằng máy ép. Bí quyết để dâu không bị nổi váng cũng sẽ được chia sẻ chi tiết nhất.
Cách làm siro dâu tằm
Nguyên liệu chuẩn bị
- Dâu tằm: 3kg
- Đường trắng: 1,5kg
- Muối tinh
Dâu tằm phải lựa chọn những quả mới hái còn tươi, quả chín đỏ nhưng phải còn cứng chứ không được mềm nhũn hay dập nát nhé. Thông thường khi ngâm dâu, tỉ lệ sẽ là 2kg dâu : 1kg đường, tùy theo khẩu vị mà bạn có thể tăng giảm lượng đường. Mình thấy đường phèn vị ngọt thanh và thơm hơn đường kính nên bạn có thể thay thế thế tùy thích.
Làm siro dâu tằm
Sơ chế dâu tằm
Dâu tằm nhặt sạch phần lá và cuống còn sót lại. Loại bỏ những quả sâu, những quả mềm nhũn và quả bị dập nát. Nếu bạn dùng những quả dâu bị nhũn thì khi ngâm sẽ hay bị úng, ảnh hưởng đến chất lượng cả hũ siro.
Rửa sạch dâu nhẹ nhàng với nước cho sạch hết bụi bẩn. Pha chậu nước muối loãng, thả dâu tằm vào ngâm 20 phút để loại bỏ hết những con côn trùng nằm ẩn sâu trong quả.
Bạn đun nồi nước sôi, cho vào 1 thìa muối tinh. Cho dâu tằm vào chần 2-3 phút rồi vớt ra rổ hoặc mẹt cho ráo nước. Mục đích của việc chần dâu là làm sạch và khử khuẩn quả dâu, giúp dâu không bị mốc hay nổi váng khi ngâm. Bạn phải hong cho dâu ráo nước hoàn toàn.
Dâu tằm ngâm đường
Sử dụng những bình thủy tinh sạch đã được tiệt trung trong nước sôi và để khô ráo. Xếp một lớp dâu tằm xuống dưới, tiếp đó đến một lớp đường. Cứ xếp liên tục như vậy cho đến hết và trên cùng sẽ là một lớp đường. Đậy kín nắp rồi cho bình dâu vào nơi thoáng mát tránh ánh nắng
Với cách làm dâu tằm ngâm đường này, sau 1 ngày là đường tan hết. Sau 2-3 ngày, dâu tằm bắt đầu lên men và để càng lâu thì men càng nhiều, uống sẽ hơi có vị như men rượu. Nếu bạn muốn uống nước dâu tằm lên men như này thì hãy cho dâu tằm vào ngăn mát tủ lạnh để hạn chế lên men và bảo quản được lâu hơn. Dâu tằm ngâm đường được pha nước uống, thêm vài viên đá lạnh là sảng khoái cả người.
Nấu siro dâu tằm và mứt dâu tằm
Thực chất siro dâu tằm là phần nước cốt được chắt lọc sau khi đem dâu tằm ngâm đường ở phía trên đun cho mềm nhuyễn, phần bã sên cùng đường sẽ thu được mứt dâu tằm. Nấu siro dâu tằm và mứt dâu tằm sẽ bảo quản được lâu hơn.
Dâu tây ngâm đường chỉ cần để qua đêm, đến khi đường tan hết sẽ đổ ra nồi sạch để nấu. Khi nấu, bạn không cần đảo quá nhiều, thi thoảng dùng muôi đảo đều và để lửa nhỏ để dâu được mềm. Nấu dâu tằm sôi liu riu 15-20 phút là được. Với lượng dâu tằm như trên, bạn cho vào 1 quả nước cốt chanh ở đoạn cuối cùng để dâu không bị lại đường nhé. Dùng rây lọc riêng phần nước ra bát và phần bã để riêng. Phần nước cốt này chính là siro dâu tằm, chờ nguội thì cho vào chai thủy tinh sạch để bảo quản.
Phần bã dâu cho thêm khoảng 300g đường, điều chỉnh tùy độ ngọt mong muốn. Cho hỗn hợp lên chảo và bắt đầu sên. Sên nhỏ lửa và đều tay, sên khoảng 20 phút đến khi mứt dâu tằm sệt lại, dẻo và có độ đặc vừa ý là được. Đừng quên cho vào vài giọt nước cốt chanh đảo đều để mứt không bị lại đường.
Bảo quản siro dâu tằm
Siro dâu tằm phải để nguội hoàn toàn mới được cho vào chai (chai thủy tinh đã tiệt trùng và phơi khô). Siro dâu tằm bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng được cả năm mà không sợ bị nổi váng hay bị nhớt. Siro dâu tằm màu đỏ rượu đẹp mắt, vị ngọt dịu, chua thanh. Siro dâu tằm dùng pha nước uống giải nhiệt ngày hè.
Nước uống dâu tằm
Mứt dâu tằm cũng để nguội rồi cho vào hũ nhỏ, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Mứt dâu tằm dùng phết lên bánh mì, ăn cùng sữa chua, cho vào xay sinh tố hay làm bánh đều được.
Mứt dâu tằm ăn bánh mì
Cách làm siro dâu tằm bằng máy ép
Một cách làm siro dâu tằm khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian, cũng không cần phải chờ ngâm đường cho tan và tỉ lệ thành công gần như 100%. Hội chị em “yêu bếp” chia sẻ cách làm siro dâu tằm bằng máy ép cực tiện lợi. Cùng bắt tay thực hiện ngay nhé!
Nguyên liệu
- Dâu tằm: 3kg
- Đường trắng
- Nước cốt chanh: 1 quả
Làm siro dâu tằm
Bước 1: Sơ chế dâu tằm
Dâu tằm nhặt bỏ những quả bị dập, nhũn nát, chỉ giữ lại những quả còn cứng nguyên vẹn và chín tươi mọng. Rửa dâu nhẹ nhàng trong nước 2-3 lần cho sạch ết bụi bẩn. Ngâm dâu trong nước muối loãng 20 phút để loại bỏ các con sâu, ấu trùng chui lẩn bên trong. Sau đó, để dâu tằm cho thật ráo nước. Nếu nhà bạn có rổ quay rau, hãy cho dâu vào quay vài vòng là khô reng mà chẳng phải chờ lâu.
Ảnh @HanhNguyen
Bước 2: Ép nước dâu tằm
Sử dụng máy ép hoa quả, cho từng ít dâu vào máy và ép. Lúc này ta thu được phần nước ép và phần bã dâu tằm riêng biệt
Ép dâu tằm bằng máy ép chậm. Ảnh @HanhNguyen
Phần nước ép dâu tằm. Ảnh @HanhNguyen
Bước 3: Nấu siro dâu tằm
Cho phần nước ép dâu tằm cùng 500g đường vào nồi, đun trên lửa nhỏ. Khuấy đều tay để đường tan hết, thi thoảng hớt bỏ bọt để siro được trong. Nấu khoảng 15 phút đến khi đường tan hoàn toàn thì vắt vào chút nước cốt chanh khuấy đều. Chờ siro dâu tằm nguội, bạn cho vào chai hoặc hũ thủy tinh bảo quản trong ngăn mát.
Ảnh @HanhNguyen
Bước 4: Sên mứt dâu tằm
Phần bã dâu tằm vừa xay đem trộn cùng 500-700g đường tùy độ ngọt yêu cầu. Cho hỗn hợp lên chảo sên đều tay đến khi sệt lại ta thu được mứt dâu tằm. Chờ mứt nguội thì cho vào hũ bảo quản.
Ảnh @HanhNguyen
Trên đây là 2 cách làm siro dâu tằm và cách làm mứt dâu tằm thơm ngon, để được lâu mà không sợ bị nổi váng hay lên mốc. Tranh thủ dâu tằm đang vào mùa, hãy làm sẵn vài hũ siro để cho cả nhà dùng bạn nhé. Chúc các bạn thành công!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cách làm siro dâu tằm
- 3kg dâu tằm
- 1,5kg đường
- Nước cốt chanh
- Muối tinh
- Nhặt bỏ quả dập, quả sâu, quả bị nhũn. Rửa dâu nhẹ nhàng cho sạch rồi ngâm nước muối 20 phút
- Đun nồi nước sôi, cho dâu tằm vào chần 2-3 phút rồi vớt ra để thật ráo nước
- Xếp dâu tằm vào bình thủy tinh, cứ 1 lớp dâu đến một lớp đường cho đến hết
- Dâu tằm ngâm đường sau 2-3 ngày ta hết đường là có thể đem pha nước uống. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để hạn chế lên men và bảo quản được lâu hơn.
- Dâu ngâm đường qua đêm thì cho vào nồi nấu. Thi thoảng đảo đều để dâu được mềm nhuyễn, hớt bỏ bọt cho siro trong. Nấu nhỏ lửa khoảng 20 phút là được
- Lọc lấy phần nước, đây chính là siro dâu tằm. Chờ nguội thì cho vào chai thủy tinh bảo quản tủ lạnh.
- Phần bã thêm vào 300g đường, đem sên trên bếp 20 phút đến khi sệt dẻo lại
Để lại một bình luận