Canh bóng bì hay canh bóng thả là món canh không thể thiếu trong mâm cỗ của người Hà Nội xưa. Cách nấu canh bóng bì thập cẩm đòi hỏi sự cầu kì, không khó mà cũng chẳng dễ; phụ thuộc vào sự sáng tạo và khẩu vị tinh tế của người nấu.
Nội dung
Canh bóng bì của người Hà Nội xưa
Canh bóng bì hay canh bóng thả là một trong nhiều món ăn của người Hà Nội xưa, thường có mặt trong các mâm cỗ những dịp lễ, Tết hay khi nhà có giỗ chạp. Canh bóng là một trong bốn bát tượng trưng cho “tứ trụ” không thể thiếu trên mâm cỗ: bóng, vây, măng, miến.
Cũng không hiểu tại sao món canh này lại được gọi với cái tên “canh bóng thả”. Có lẽ bởi canh được làm từ nguyên liệu chính là bóng làm từ bì lợn, một thứ thực phẩm gọi là quý hiếm thời kì bao cấp. Bì lợn được nướng cho nở phồng trông như những chiếc bong bóng, được thả vào bát canh.
Bát canh bóng truyền thống trong mâm cỗ Tết qua bàn tay của bà, của mẹ rực rỡ như một bức tranh mùa xuân thu nhỏ. Trứng tráng vàng tươi, giò lụa hồng hồng, thịt thăn trắng nõn, su hào trắng ngà, cà rốt đỏ tươi, bóng vàng nhạt như những con thuyền nhỏ, đậu Hà Lan xanh mướt, nấm hương nâu sẫm, tôm nõn đỏ hồng, lá mùi xanh nõn. Nước canh bóng thanh và ngọt bởi nước hầm xương và tôm khô, thơm nhẹ mùi gừng, mùi tôm, thịt, nấm hương.
Cách nấu canh bóng bì
Để nói về cách nấu canh bóng, phải nói thuộc dạng tỉ mỉ và cầu kì, không khó mà cũng chẳng hề dễ. Vì ngon hay không ngon, phụ thuộc hết vào sự sáng tạo và khẩu vị tinh tế của người nấu. Người nấu thả vào bát canh những nguyên liệu tươi ngon, hoà hợp… Bì heo chọn loại bì cạo chín, sau đó dùng dao lạng hết lớp mỡ còn sót lại. Càng lạng sạch bao nhiêu thì bì heo càng trong bấy nhiêu. Để bì heo được trắng và mất hết mùi hôi thì phải rửa với nước gừng có pha chút giấm. Phơi bì heo ngoài nắng cho thật khô rồi mới nướng để bì nổi bóng phồng lên.
Nguyên liệu nấu canh bóng bì
- Bóng bì: 200g
- Tôm nõn khô: 50g
- Cồi sò điệp: 400g
- Giò sống: 150g
- Gừng: 1 nhánh
- Rượu nấu ăn hoặc rượu trắng
- Hành tây: 1 củ nhỏ
- Súp lơ trắng: 1/2 cái
- Súp lơ xanh: 1/2 cái
- Cà rốt: 1/2 củ
- Đậu Hà Lan: 100g
- Su hào: 1/2 củ
- Nấm hương: 50g
- Nấm rơm: 50g
- Hành tím: 1-2 củ
- Rau mùi, hành lá
- Gia vị thông dụng: mắm, muối, tiêu, bột nêm….
Với cách nấu canh bóng truyền thống thường kết hợp các loại rau củ như su hào, cà rốt, nấm hương, súp lơ…. và để canh ngọt ngon hơn thì sẽ thêm sườn heo, giò sống, tôm khô… Với cách nấu canh bóng bì thập cẩm mà Bếp Mina chia sẻ, cồi sò điệp được sử dụng vừa giòn ngon, vừa cho nước dùng ngọt thanh mà không cần tốn nhiều thời gian ninh xương. Phần rau củ bạn có thể sử dụng tùy ý thích, nhà có gì dùng nấy.
Nấu canh bóng bì thập cẩm
Sơ chế nguyên liệu
Bóng bì chọn bóng thăn, không quá mỏng cũng không quá dày. Đem ngâm bóng bì trong nước gạo 1 giờ sẽ giúp bóng trắng và sạch hơn. Sau khi ngâm xong, đem thái bóng thành hình trám vừa ăn. Sử dụng gừng đập dập và rượu trắng bóp rửa bóng để khử mùi hôi. Rửa lại bóng bì nhiều lần cho thật sạch rồi để ráo nước.
Nấm hương ngâm nước 15 phút cho nở mềm, Cắt bỏ chân nấm rồi rửa sạch, để ráo nước. Nấm rơm rửa sạch
Tôm khô ngâm nước 20-30 phút cho mềm, rửa sạch rồi để ráo. Bạn có thể rửa tôm khô trước cho sạch bụi bẩn rồi mới đem ngâm, sử dụng luôn phần nước ngâm tôm để nấu canh nhé.
Phần rau củ: su hào, cà rốt, súp lơ, hành tây đem sơ chế sạch. Cắt rau củ thành từng miếng nhỏ vừa ăn, bạn có thể dùng dao sóng hay dụng cụ cắt tỉa hoa để tạo hình cho đẹp.
Phần giò sống dùng làm viên mọc. Hoặc nhồi trực tiếp từng viên mọc vào nấm hương cho đẹp mắt nhé.
Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ. Hành lá, rau mùi nhặt rồi rửa sạch.
Nấu canh bóng thả
- Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím băm. Cho bóng bì vào xào ở lửa nhỏ để bóng bì mềm. Nêm vào 1 thìa nước mắm ngon và xíu tiêu xay để bóng thấm vị ngon hơn. Chỉ xào bóng chín tới thì cho ra đĩa để riêng, không xào quá kĩ sẽ mất đi độ dai giòn của bóng.
- Để nước canh được thanh trong, mình cho trực tiếp tôm khô cùng với 2,5 lít nước vào nồi đun sôi. Nếu bạn có nước dùng gà hay nước dùng xương heo thì lưu ý phải ninh ở lửa nhỏ liu riu để nước canh trong, không đun lửa to sôi lục bục là nước bị đục
- Cho tiếp nấm hương vào cùng với tôm, đun sôi 10 phút
- Thả cồi sò điệp vào nồi canh. Lúc này bạn nêm gia vị gồm muối, bột nêm, bột canh, đường phèn cho vừa khẩu vị gia đình mình nhé. Đun lửa nhỏ liu riu 10 phút để sò điệp chín và nước canh được ngọt
- Cho phần rau củ vào nồi canh. Tùy vào từng loại rau củ bạn dùng mà cho loại nào vào trước, loại nào vào sau nhé. Ở đây mình sẽ cho su hào vào trước 3 phút, tiếp đó cho cà rốt và nấm rơm. Sau đó mới cho đậu hà lan, súp lơ và hành tây vào.
- Cho bì bóng vào sau cùng để chúng không bị nhũn. Nấu canh bóng bì đến khi nào rau củ và các nguyên liệu chín thì tắt bếp. Vớt hết phần cái ra bát để riêng
Trình bày canh bóng bì thập cẩm
- Sử dụng bát tô miệng loe rộng. Xếp bóng bì tạo thành hình bông hoa xuống dưới đáy bát.
- Xếp cồi sò điệp, tôm lên trên xen kẽ cho đẹp mắt. Rồi lần lượt xếp rau củ vào bát
- Khi ăn, sẽ chan phần nước canh nóng hổi vào bát. Rắc thêm hành lá, rau mùi lên cho đẹp mắt rồi thường thức.
Canh bóng bì thập cẩm thành phẩm có màu sắc bắt mắt. Các loại rau củ chín tới có vị ngọt tự nhiên, còn nguyên vẹn chứ không bị nát. Bóng bì da dai giòn giòn chứ không bị mềm nhũn, ăn không có mùi hôi. Và đặc biệt phần nước canh phải rất trong, ngọt thanh, thơm.
Trên đây. Bếp Mina vừa hướng dẫn bạn cách nấu canh bóng bì. Bạn có thể biến tấu phần nguyên liệu để có món canh bóng bì trứng cút, canh bóng bì hạt sen, canh bóng bì mọc… tùy ý thích. Chúc các bạn thành công!
Trả lời