Xôi ngũ sắc dẻo thơm đẹp mắt được nấu từ những hạt gạo nếp nương dẻo thơm, màu sắc xôi được tạo từ màu lá cẩm, lá nếp, hoa đậu biếc, gấc, nghệ tươi… Cách làm xôi ngũ sắc lên màu đẹp nhất như người Tày được chia sẻ dưới đây!
Nội dung
Tìm hiểu xôi ngũ sắc người Tày
Xôi ngũ sắc còn được gọi là cơm đen cơm đỏ, một món ăn không thể thiếu trong dịp lễ, tết của người Tày. Xôi ngũ sắc có 5 màu chính là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng được tạo màu tự nhiên bằng các loại lá cây và củ quả có sẵn ở địa phương. Đồng bào dân tộc Tày thường làm xôi ngũ sắc vào dịp cưới hỏi, lễ tết, ngày tết hàn thực, tết 5/5, rằm tháng bảy… với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn, tốt lành.
Mỗi màu sắc của xôi có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho ước mơ về hạnh phúc, khát vọng no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi. Màu đỏ là biểu tượng của lửa, của sự no ấm nhiệt huyết. Màu vàng đại diện cho cây lúa, loại hoa màu, ngũ cốcc. Màu tím đại diện cho đất đai trù phú. Màu trắng mang ý nghĩa tình yêu thủy chung, son sắt. Màu xanh lam gắn với áo trang phục truyền thống của người Tày.
Bên cạnh đó, xôi ngũ sắc cũng là niềm tự hào của phụ nữ Tày bởi nó thể hiện sự khéo léo, đảm đang. Loại xôi ngũ sắc được chế biến từ những nguyên liệu bắt nguồn từ thiên nhiên; tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu sắc khác nhau, tạo ra món xôi không chỉ độc đáo về hình thức mà còn mang hương vị thơm ngon, hấp dẫn.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc
- Gạo nếp nương: 1,5kg
- Muối tinh, đường
- Dầu ăn
- Tạo màu đỏ: gấc chín, củ dền, thanh long đỏ
- Tạo màu vàng: nghệ tươi
- Tạo màu xanh lam: hoa đậu biếc
- Tạo màu tím: lá cẩm tím
- Tạo màu xanh lá cây: lá dứa
Nguyên liệu tạo màu xôi ngũ sắc hoàn toàn từ các loại lá cây, hoa quả trong vườn nên lên màu đẹp tự nhiên, không nên dùng các loại màu thực phẩm để tạo màu xôi nhé. Ở đây, chúng mình hướng dẫn cách tạo màu cơ bản, bạn có thể biến tấu hoặc phối trộn để làm xôi ngũ sắc, xôi lục sắc hay làm xôi bảy màu tùy ý nhé.
Cách nấu xôi ngũ sắc từ rau củ
Ngâm gạo nếp
Gạo nếp chọn loại nếp nương, hạt to tròn đều nhau, căng mẩy. Nhặt bỏ hết những hạt sâu, hạt sạn rồi cho gạo vào ngâm nước 6 tiếng. Bạn có thể ngâm gạo qua đêm, trước lúc đi ngủ thì ngâm gạo và sáng dậy chỉ việc đồ xôi.
Gạo ngâm xong bạn đãi cho hết nước chua. Lưu ý đãi nhẹ nhàng, không bóp mạnh sẽ làm gãy hạt gạo khiến xôi bị nát nhé.
Tạo màu xôi ngũ sắc
Gạo nếp ngâm xong bạn chia thành các phần đều nhau, muốn tạo bao nhiêu màu xôi thì chia thành bấy nhiêu phần gạo. Tiếp đó, đem ngâm gạo cùng nước cốt màu thêm 2 giờ nữa để lên màu là được.
- Xôi màu đỏ
Cách 1: Thịt gấc (chỉ cần dùng khoảng nửa. bát cơm) bóp cùng 1 thìa rượu sẽ giúp lên màu đẹp hơn. Sau đó trộn cùng với gạo nếp đã ngâm rồi đem đồ xôi
Cách 2: Tạo xôi màu đỏ từ thanh lòng: thanh long ép hoặc xay lấy nước rồi ngâm cùng gạo. Bí quyết giữ xôi màu đỏ đẹp là hãy đun nước thanh long cho hơi sệt lại rồi mới đem ngâm cùng gạo.
Cách 3: Màu đỏ từ cây lá đỏ (nhưng khó mua, chỉ người dân Tây Bắc mới hay có): Luộc lá đỏ khoảng 10 phút rồi lấy nước để nguội ngâm gạo.
- Xôi màu xanh lam
Lấy hoa đậu biếc (tươi hoặc khô đều được) đun sôi cùng 500ml nước cho ra màu. Sau đó lấy nước hoa đậu biếc ngâm cùng gạo nếp
- Xôi màu vàng
Cách 1: Lấy 3 củ nghệ đem giã hoặc xay nhuyễn , thêm bát con nước vào rồi lọc lấy nước cốt ngâm cùng gạo
Cách 2: Bột dành dành hoặc quả dành dành khô hòa cùng nước cho tan rồi lấy nước ngâm cùng gạo
- Xôi màu xanh lá cây
Cách 1: Lấy một nắm lá nếp (lá dứa) xay cùng nước rồi lọc lấy nước cốt, bỏ bã. Lấy nước cốt lá dứa ngâm gạo, khi ngâm cho thêm vài lá sấu vào thì xôi lên màu đẹp hơn. Tuy nhiên, dùng lá dứa thì xôi đồ lên thường hay bị phai mất màu, không còn xanh đẹp như màu gạo lúc ngâm.
Cách 2: Pha nước cốt nghệ và nước hoa đậu biếc theo tỉ lệ 1:1 sẽ cho ra màu nước xanh thẫm. Ngâm cùng gạo nếp rồi đem đồ xôi sẽ cho ra xôi màu xanh lá rất đẹp.
- Xôi màu tím
Lá cẩm tím đem luộc 10 phút cho ra nước. Để nước nguội rồi đem ngâm cùng gạo nếp 2 giờ trước khi đem đồ.
Đồ xôi ngũ sắc
Xôi có thể được đồ bằng chõ đồ, xửng tup, nồi đồ xôi… Nhà có gì thì bạn dùng nấy nhé. Cho nước vào nồi dưới, lưu ý lượng nước chỉ bằng 1/3 nồi nhé, tránh cho quá nhiều thì khi sôi nước tràn lên làm xôi bị ướt nhão.
Ảnh @Hòa Bùi
Phần gạo ngâm cùng nước cốt tạo màu xong thì bạn đem trộn cùng 1 xíu muối tinh hoặc đường tùy khẩu vị; thêm một chút dầu ăn để hạt xôi bóng đẹp hơn. Sử dụng khăn xô hoặc lá chuối để ngăn cách các màu gạo, dàn đều gạo vào xửng hấp.
Khi nồi nước đã sôi, cho xửng gạo nếp vào đồ. Đồ xôi ở lửa vừa 20 phút cho xôi chín tới thì tắt bếp. Bạn cho xôi ra ngoài, xới cho xôi tơi đều và nguội bớt. Tiếp đó, rưới phần nước cốt màu còn lại lên xôi, trộn cho đều. Cho xôi trở lại nồi, đồ thêm 10 phút để xôi chín mềm.
Ảnh @Loan Trần
** Lưu ý
Mỗi lần nấu xôi ngũ sắc, nếu lười khoản tạo màu ngâm gạo thì bạn có thể ngâm nhiều gạo một lúc rồi chia nhỏ thành từng túi cất ngăn đá tủ lạnh dùng dần. Mỗi lần dùng chỉ cần lấy xôi rã đông hấp đem đồ chín là được.
Trình bày xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc thành phẩm hạt căng mẩy, bóng, dẻo mềm, hạt xôi phải tơi chứ không bị nát hay ướt nhão. Xôi ngũ sắc lên màu đẹp, tươi tự nhiên. Xôi ngũ sắc có một mùi thơm của nếp mới, mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không hề lẫn với bất cứ món xôi nào khác. Người Tày còn quan niệm rằng, người nào đồ được xôi ngũ sắc có màu chuẩn đẹp thì được xem là người khéo tay, gia đình sẽ làm ăn phát đạt.
Cách trình bày xôi ngũ sắc như thế nào cho đẹp mắt? Bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây nhé.
Xôi ngũ sắc được cho vào khuôn hình trái tim rồi xếp thành hình bông hoa 5 cánh
Xôi ngũ sắc được đóng khuân theo hình nhiều lớp. Để có được đĩa xôi đẹp trc khi đóng khuân phải chia 5 mầu xôi thành 5 phần bằng nhau thì xôi mới đẹp.
Xôi được đóng theo khuôn hình hoa hồng. Mầu của xôi là từ gấc, nghệ & mầu lá nếp, lá cẩm.
Xôi ngũ sắc hình trái tim
Xôi sắc mầu đóng khuôn vuông hình chữ Hỷ. Xôi ngũ sắc không những ngon, đẹp mắt mà xôi còn tượng trưng cho phong thuỷ ngũ hành, tượng trưng cho sự ấm no đầy đủ, chung thuỷ & hạnh phúc.
Trên đây là cách làm xôi ngũ sắc, bí quyết tạo màu xôi từ rau củ lên màu đẹp tự nhiên nhất. Hãy thử vào bếp trổ tài khéo léo xem sao bạn nhé. Chúc các bạn thành công!
Nguồn ảnh từ FB Hòa Bùi, Nguyền Thương Huyền, Loan Trần

Cách làm xôi ngũ sắc
- 1,5kg gạo nếp ngon
- Muối tinh, đường, dầu ăn
- Tạo màu đỏ: gấc chín, củ dền, thanh long đỏ
- Tạo màu vàng: nghệ tươi, quả dành dành
- Tạo màu xanh lam: hoa đậu biếc
- Tạo màu tím: lá cẩm tím
- Tạo màu xanh lá cây: lá dứa
- Gạo nếp nhặt sạch, ngâm 5-6 giờ cho nở mềm. Có thể ngâm gạo qua đêm
- Gạo nếp ngâm xong bạn chia thành các phần đều nhau, muốn tạo bao nhiêu màu xôi thì chia thành bấy nhiêu phần gạo. Tiếp đó, đem ngâm gạo cùng nước cốt màu thêm 2 giờ nữa để lên màu là được.
- Cách 1: Thịt gấc (chỉ cần dùng khoảng nửa. bát cơm) bóp cùng 1 thìa rượu sẽ giúp lên màu đẹp hơn. Sau đó trộn cùng với gạo nếp đã ngâm rồi đem đồ xôi
- Cách 2: Tạo xôi màu đỏ từ thanh lòng: thanh long ép hoặc xay lấy nước rồi ngâm cùng gạo. Bí quyết giữ xôi màu đỏ đẹp là hãy đun nước thanh long cho hơi sệt lại rồi mới đem ngâm cùng gạo
- Lấy hoa đậu biếc (tươi hoặc khô đều được) đun sôi cùng 500ml nước cho ra màu. Sau đó lấy nước hoa đậu biếc ngâm cùng gạo nếp
- Lấy 3 củ nghệ đem giã hoặc xay nhuyễn , thêm bát con nước vào rồi lọc lấy nước cốt ngâm cùng gạo
- Pha nước cốt nghệ và nước hoa đậu biếc theo tỉ lệ 1:1 sẽ cho ra màu nước xanh thẫm. Ngâm cùng gạo nếp rồi đem đồ xôi sẽ cho ra xôi màu xanh lá rất đẹp.
- Lá cẩm tím đem luộc 10 phút cho ra nước. Để nước nguội rồi đem ngâm cùng gạo nếp 2 giờ trước khi đem đồ.
- Trộn gạo đã ngâm với xíu muối, đường và dầu ăn. Cho gạo vào xửng, ngăn cách các màu gạo bằng lá hoặc khăn xô
- Đồ xôi lần một 20 phút. Gỡ xôi đánh tơi để nguội. Tiếp đó, rưới phần nước cốt màu còn lại lên xôi, trộn cho đều. Cho xôi trở lại nồi, đồ thêm 10 phút để xôi chín mềm.
Để lại một bình luận