Bạn đã biết cách nấu chè khoai dẻo ngon chưa? Viên khoai dẻo mềm không bị khô, thạch sương sáo mát lạnh, đậu đỏ bùi bùi quyện trong phần nước cốt dừa béo ngậy.
Chè khoai dẻo là món tráng miệng nổi tiếng có nguồn gốc từ Đài Loan, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp món chè này ở hầu hết cả cửa hàng ăn nhẹ khi tới nơi đây. Theo truyền thống, món chè khoai dẻo Đài Loan làm từ hai nguyên liệu chính là khoai môn và khoai lang. Phần nước ăn kèm được nấu từ đường cùng với thảo dược hoặc cao quy linh nên mùi thơm có nét đặc trưng rất riêng.
Sau khi du nhập vào Việt Nam, móm chè khoai dẻo được biến tấu và thêm nhiều lựa chọn topping ăn kèm như thạch đen, đậu đỏ, đậu xanh, khúc bạch…. Nước chan chè có thể là nước cốt dừa hoặc nước đường thốt nốt lá dứa thanh mát.
Để nói về cách nấu chè khoai dẻo sẽ có vô vàn công thức khác nhau, bạn dễ dàng tìm kiếm được trên google hay trong các group ẩm thực. Quan trọng nhất khi nấu chè khoai dẻo đó chính là làm sao để viên khoai được dẻo mềm, để lâu không bị cứng. Có một nguyên liệu mà đa phần các mẹ thường bỏ qua khi làm khoai dẻo chính là bột khoai tây.
Nguyên liệu nấu chè khoai dẻo
A. Phần khoai dẻo
- Khoai lang vàng: 300g
- Khoai lang tím: 300g
- Khoai lang trắng: 300g
- Đường: 90g
- Bột năng: 200g – 250g
- Tinh bột khoai tây: 50g
- Sữa tươi không đường: 300g
B. Thạch sương sáo
- Bột sương sáo: 1 gói
- Đường: 50g
C. Topping đậu đỏ
- Đậu đỏ: 200g
- Đường: 50g
D. Nước cốt dừa
- Nước cốt dừa: 400ml
- Kem béo: 150ml
- Sữa đặc: 50g
- Muối tinh: 1/2 thìa cafe
- Bột năng: 2 thìa
- Nước: 1 lít
- Lá dứa: 5-6 lá
Cách nấu chè khoai dẻo
Hấp chín và nghiền khoai lang
– Khoai lang rửa sạch đất cát bám bên ngoài vỏ, gọt vỏ rồi cắt thành từng khoanh mỏng. Ngâm khoai vào chậu nước muối loãng 15 phút để khoai không bị thâm.
– Tiếp đó cho khoai vào xửng hấp chín, hoặc đem luộc chín. Thời gian hấp là 15-20 phút tính từ lúc nước sôi. Khi hấp, nên ngăn cách các màu khoai để không bị lẫn lộn màu vào nhau nhé.
– Khi khoai còn ấm nóng, dùng thìa nghiền cho khoai nhuyễn mịn. Lưu ý mỗi loại khoai để một bát riêng.
Tạo hình viên khoai dẻo
– Trộn bột năng và tinh bột khoai tây rồi chia thành 3 phần. Thông thường khi làm khoai lang dẻo, mọi người chỉ dùng bột năng và có một thực tế là sau khi chè để nguội thì những viên khoai rất hay bị cứng. Bí quyết để khoai dẻo lâu là nhờ vào tinh bột khoai tây này. Nếu không mua được bột khoai tây bạn có thể thay thế bằng bột nếp.
– Thêm vào mỗi bát khoai 30g đường (vì khoai cũng có vị ngọt tự nhiên rồi nên bạn điều chỉnh lượng đường phù hợp). Cho từ từ sữa tươi và bột năng vào trộn đều, nhào nhẹ nhàng đến khi nào khối bột dẻo mịn, không còn dính tay nữa là được. Lượng sữa và bột sẽ không cố định nhé, bạn cứ cho đến khi nào cảm thấy bột ổn thì dừng.
– Nếu không mua được nhiều loại khoai lang khác nhau mà muốn tạo màu cho viên khoai dẻo thì bạn sử dụng bột hoặc nước cốt rau củ. Ví dụ dùng nước cốt lá dứa hoặc bột matcha tạo màu xanh, dùng nước cốt hoa đậu biếc tạo màu xanh lam… Lưu ý chỉ cho lượng bột rất nhỏ (khoảng 5-6g) thôi nhé.
– Chia bột thành từng phần nhỏ, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín những phần bột chưa dùng đến tránh làm khô bột. Vê dài từng viên bột rồi dùng dao cắt nhỏ khoảng bằng đốt tay. Nhẹ nhàng vê tròn viên bột để tạo hình viên khoai dẻo, phủ lên một ít bột áo để khoai không dính nhau. Bước này không nhất thiết phải tạo hình tròn, bạn có thể thỏa sức sáng tạo các viên khoai dẻo hình dạng khác nhau nhưng nên làm kích thước nhé.
Luộc khoai dẻo
– Viên khoai lang dẻo sau khi tạo hình xong bạn có thể phủ một lớp bột năng bên ngoài rồi chia từng túi zip nhỏ. Bảo quản khoai dẻo trong ngăn đông, khi nào dùng chỉ cần lấy ra và đem luộc.
– Đun sôi một nồi nước, cho từng màu khoai dẻo vào luộc. Khi những viên khoai trong lại và nổi lên mặt nước là chúng chín. Dùng vợt vớt khoai lang dẻo thả ngya vào bát nước đá lạnh. Làm như vậy viên khoai sẽ dẻo giòn hơn và không bị dính vào nhau. Ngâm khoai 2-3 phút thì vớt ra để ráo nước.
Nấu thạch sương sáo
– Trộn bột sương sáo với đường. Cho 1 lít nước vào hòa tan bột sương sáo
– Cho hỗn hợp lên bếp đun, khuấy đều để bột không bị bén nồi. Đun đến khi thạch sôi, thạch sẽ hơi sệt lại là được.
– Đổ thạch sương sáo ra khuôn, chờ nguội thì cho vào ngăn mát tủ lạnh để thạch đông lại. Khi ăn, cắt thạch thành từng viên nhỏ.
Nấu đậu đỏ
Đậu đỏ ngâm 4 giờ cho nở mềm. Cho đậu đỏ cùng ít nước đủ ngập đậu lên bếp, nấu tròn 30 phút. Thêm đường vào nấu đến khi đậu bở mềm là được. Nếu có nồi áp suất, bạn cho vào nấu cho nhanh nhé.
Nấu nước cốt dừa chan chè
Cho nước cốt dừa, sữa đặc và 1 lít nước vào nồi. Thêm lá dứa cuộn tròn vào cùng luôn. Đun sôi hỗn hợp ở lửa nhỏ trong 5 phút thì vớt bỏ lá dứa. Thêm kem béo và xíu muối tinh vào khuấy đều. Bạn hòa bột năng, cho từ từ vào nồi cốt dừa đến khi nào có độ sánh mong muốn thì dừng.
Thưởng thức chè khoai dẻo
Như vậy sau kha khá công đoạn thì chúng mình đã hoàn thành cách nấu chè khoai dẻo rồi nhỉ. Tưởng chừng như khá cầu kì nhưng khi bắt tay thực hiện thì bạn thấy nấu chè khoai dẻo không hề khó như bạn nghĩ. Bây giờ thì cho chè ra chén và “chén” nó thôi.
Cho một ít viên khoai dẻo vào bát, thêm thạch sương sáo, đậu đỏ vào. Chan nước cốt dừa béo ngậy vào, thêm đá bào nếu thích rồi thưởng thức. Chè khoai dẻo thành phẩm có nhiều màu sắc bắt mắt. Viên khoai dẻo dẻo, dai dai, dù để nguội vẫn dẻo mềm chứ không bị khô cứng; thạch sương sáo mát lạnh; đậu đỏ dẻo bùi; tất cả hòa quyện trong phần nước cốt dừa béo béo, ngậy ngậy, thơm mùi lá dứa.
Hi vọng với cách nấu chè khoai dẻo nước cốt dừa mà Bếp Mina vừa chia sẻ, bạn có thể món tráng miệng, món ăn vặt ngon cho cả gia đình. Bạn có thể biến tấu nhiều hương vị khác nhau như chè khoai dẻo trân châu, khoai dẻo dừa non, chè khoai dẻo khúc bạch, chè khoai dẻo thập cẩm…. Hãy cùng thực hiện rồi chia sẻ thành phẩm với chúng mình nhé!
HỌC THÊM CÁC MÓN CHÈ
Để lại một bình luận