Chia sẻ chi tiết cách làm sữa chua úp ngược tại nhà dẻo mịn không nhớt và xử lý những sai lầm thường gặp. Cách làm sữa chua thành công phụ thuộc vào loại sữa, chất lượng men cái, cách trộn sữa và nhiệt độ ủ.
Công thức làm sữa chua úp ngược tại nhà đang là “hot trend” của hội chị em yêu bếp. Có muôn vàn công thức khác nhau, bạn dễ dàng tìm kiếm trên google hay các group nấu ăn. Tưởng chừng như rất đơn giản nhưng để làm được sữa chua dẻo thơm, đặc quánh có thể úp ngược được mà không bị chảy lỏng thì không phải chị em nào cũng thành công. Dưới đây, Bếp Mina chia sẻ cách làm sữa chua úp ngược chi tiết nhất, không cần cân đo đong đếm, những cách ủ sữa chua đơn giản nhất và cách xử lý tất tần tật những sai lầm hay mắc phải khi làm sữa chua. Chỉ cần làm theo hướng dẫn này chắc chắc chị em sẽ thành công 100% với những hũ sữa chua trắng muốt, dẻo thơm cho cả gia đình.
Nội dung
Nguyên liệu làm sữa chua
- Sữa tươi không đường: 1 lít
- Sữa đặc ông Thọ: 1 lon
- Sữa chua làm men cái: 1 hộp
- Hũ thủy tinh: 15 hũ
- Nồi, muôi, thìa
** Những lưu ý về nguyên liệu:
– Bạn có thể sử dụng bất kì loại sữa nào để làm sữa chua úp ngược tại nhà, ví dụ như sữa tươi có đường, sữa không đường, sữa nguyên kem, sữa đặc ông thọ, sữa bột… hoặc trộn lẫn các loại sữa với nhau. Tuy nhiên, sữa có hàm lượng protein và chất béo cao thì sẽ cho ra thành phẩm sữa chua đặc và thơm ngon hơn. Nếu có điều kiện thì bạn dùng sữa tươi nguyên kem, loại này thường giá đắt hơn sữa tươi thông thường. Còn không, bạn dùng sữa tươi pha cùng sữa đặc. Không nên dùng sữa đặc pha với nước hoặc sữa tươi pha với đường.
– Sữa chua làm men cái phải là loại mới, hạn sử dụng còn dài. Dùng sữa chua tự ủ để làm men cái sẽ ngon hơn dùng hộp sữa chua công nghiệp. Dùng sữa chua hộp thì sữa chua thành phẩm dễ bị nhớt xung quanh thành cốc.
Cách làm sữa chua úp ngược
Tiệt trùng dụng cụ làm sữa chua
Nhiều chị em thường bỏ qua bước này nhưng đây chính là sai lầm khiến sữa chua thành phẩm bị nhớt, không đông và dễ bị hỏng. Với cách làm sữa chua tại nhà, tất cả các dụng cụ như nồi, muôi, thìa và hũ thủy tinh phải được rửa sạch rồi tiệt trùng trong nước sôi. Sau đó để khô tự nhiên hoặc cho vào lò nướng sấy cho khô hoàn toàn. Chỉ cần dụng cụ dính một giọt nước lã hay một vết bẩn nhỏ sẽ làm vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào sữa chua sẽ làm chúng bị chảy nhớt và bị hỏng.
Đun hỗn hợp sữa
– Sữa tươi, sữa đặc và sữa chua làm men cái phải được để ngoài nhiệt độ phòng 30-40 phút cho đến khi hết lạnh hoàn toàn.
– Cho sữa tươi, sữa đặc vào nồi. Với khẩu vị của mình thì thấy phần nguyên liệu này sẽ cho ra thành phẩm hơi ngọt một chút nên mình sẽ để bớt lại một ít sữa đặc hoặc dùng chính lon sữa đó đong thêm một lon nước ấm. Tùy theo khẩu vị mà bạn căn chỉnh cho phù hợp nhé. Cho hỗn hợp sữa này lên bếp đun ở lửa vừa, thi thoảng dùng muôi khuấy đều theo một chiều để sữa không bị bén nồi. Đun đến khi nào thấy hỗn hợp lăn tăn xung quanh thành nồi, hơi bốc lên nhiều thì tắt bếp, nhiệt độ sữa lúc này khoảng 80 độ C. Tuyệt đối không đun sôi sữa vì sẽ làm tách lớp sữa.
– Cho hỗn hợp sữa vừa đun ra ngoài để cho nguội bớt về 40-45 độ C. Hộp men cái dùng thìa khuấy nhẹ cho tan hết, không được để vón cục. Đổ từ từ men cái vào nồi sữa rồi khuấy nhẹ cho tan đều. Không cho sữa chua cái vào khi sữa còn nóng vì sẽ làm men bị chết hoặc hoạt động kém.
Ủ sữa chua
Dùng muôi múc hỗn hợp sữa vào từng hũ thủy tinh, đậy nắp rồi đem đi ủ. Khi ủ sữa chua, quan trọng nhất là nhiệt độ sữa chua khi ủ nữa. Nhiệt độ tốt nhất vẫn là 40 – 44 độ C, thời gian ủ là 8 – 10 tiếng. Nếu nhiệt độ thấp hơn thì sữa chua sau khi ủ xong sẽ bị nhớt hoặc lỏng. Còn nhiệt độ cao hơn sẽ làm men chết và tất nhiên sữa chua sẽ không đông lại được. Bạn có thể áp dụng những cách ủ sữa chua dưới đây.
Cách 1: Dùng máy ủ sữa chua
Cách này khá đơn giản nhưng không phải nhà nào cũng có máy ủ sữa chua. Bạn chỉ cần cho sữa chua vào từng hộp, đặt vào máy ủ rồi cắm điện chờ hoàn thành là xong.
Cách 2: Ủ sữa chua bằng nồi
Cách này mình thấy đơn giản nhất và mình hay dùng nhất. Sử dụng một nồi to có nắp đậy kín. Cho nước ấm (khoảng 80 độ C) vào nồi, lượng nước ước chừng ngập 2/3 hũ thủy tinh khi cho vào là được.
Xếp từng hũ sữa chua vào nồi, có thể xếp chồng lên nhau rồi đậy kín nắp. Đặt nồi sữa chua vào vị trí cố định rồi dùng chăn hoặc áo dầy tủ kín nồi. Ủ sữa chua 8-10 giờ, thậm chí mùa hè nóng này chỉ cần ủ 6 tiếng là sữa chua đã đông lại. Nếu ủ thời gian lâu hơn thì sữa chua có vị chua nhiều. Thông thường, mình sẽ ủ sữa chua vào buổi tối trước khi đi ngủ, sáng dậy đã có mẻ sữa chua dẻo thơm. Hơn nữa ủ thời gian này cũng hạn chế sự tò mò, mở ra nhiều làm mất nhiệt cũng như di chuyển các hũ sữa chua nhiều làm chúng bị vữa và tách lớp.
Cách 3: Ủ sữa chua bằng nồi cơm điện
Cho hỗn hợp sữa chua ở trên vào ruột nồi cơm điện. Cắm điện, để chế độ hâm nóng trong 15 phút. Rút điện, đậy kín nồi cơm điện và ủ trong 4 giờ. Tiếp tục cắm điện, để chế độ hâm nóng 15 phút rồi rút điện, ủ tiếp 4 giờ là hoàn thành.
Cách 4: Ủ sữa chua bằng thùng xốp
Thùng xốp giữ nhiệt tốt nên có thể dùng để ủ sữa chua. Bạn cho nước ấm vào thùng xốp rồi xếp các hũ sữa chua vào. Đậy kín nắp và ủ 8-10 giờ
Cách 5: Ủ sữa chua bằng lò nướng
Làm nóng lò nướng 45 độ trước 15 phút. Xếp hũ sữa chua vào khay nướng rồi cho vào lò, bật đèn sáng. Nhược điểm của cách ủ này là khó kiểm soát được nhiệt ổn định. Sau 3-4 giờ bạn phải làm nóng lò để giữ nhiệt.
Thành phẩm sữa chua úp ngược
Sau thời gian ủ 8-10 giờ tùy điều kiện thời tiết bạn đã có những hũ sữa chua trắng muốt, dẻo quánh, thơm dịu, úp ngược được mà không sợ bị chảy. Bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh, dùng trong vòng 1 tuần để thơm ngon nhất. Sữa chua có thể ăn không, ăn sữa chua hoa quả hay ăn cùng granola đều ngon.
Lưu ý khi làm sữa chua
Có thể nói cách làm sữa chua tại nhà khá đơn giản mà cũng khá khó. Chất lượng sữa chua thành phẩm phụ thuộc rất nhiều yếu tố như loại sữa sử dụng, loại men, chất lượng men, thao tác trộn sữa, nhiệt độ ủ… Sẽ không có một công thức làm sữa chua úp ngược nào “chuẩn” cả, bạn phải làm nhiều lần để rút ra những kinh nghiệm, đừng ngần ngại hay nản lòng sau mỗi lần làm hỏng. Để làm sữa chua úp ngược tại nhà thành công, bạn phải nắm được những nguyên tắc cơ bản và tuân thủ một cách triệt để. Khi sữa chua thành phẩm có vấn đề, hãy tìm ra nguyên nhân và khắc phục cho những lần sau. Dưới đây là những lưu ý khi làm sữa chua mà nhất định bạn phải nắm rõ.
1. Luôn tiệt trùng dụng cụ, hũ thủy tinh trước khi bắt tay vào làm sữa chua
2. Càng ít men thì sữa càng đặc và nhanh chua
Nhiều người nghĩ rằng cho nhiều men cái thì sữa chu càng đặc và nhanh đông nhưng hoàn toàn ngược lại nhé. Trong quá trình lên men, vi khuẩn men sẽ lấy thức ăn từ sữa và sản xuất ra axit lactic giúp sữa có mùi chua và protein trong sữa đông đặc lại. Nếu bạn dùng quá nhiều men cái, tức là hàm lượng vi khuẩn nhiều mà sữa lại ít, dẫn đến lượng thức ăn ít, men sẽ hoạt động không ổn định và sữa chua kém đông hơn. Tỉ lệ men cái là 7-10% so với tổng lượng sữa là ổn nhất.
3. Men cái phải để nhiệt độ phòng cho nguội hoàn toàn
Men cải phải để nguội và lỏng. Hiểu đơn giản, nếu bạn cho men cái khi chúng còn lạnh và vón cục vào hỗn hợp sữa nóng, chúng sẽ bị “sốc nhiệt” và làm men bị chết hoặc hoạt động kém đi. Hãy cho men cái vào bát, múc một muôi sữa ấm vào khuấy nhẹ cho tan và men cái quen dần với môi trường mới rồi mới đổ vào nồi sữa khuấy đều.
Thông thường sau mỗi lần ủ sữa chua, mình sẽ để lại một hũ sữa chua để làm men cái cho lần ủ sau. Dùng sữa chua công nghiệp làm men cái khiến sữa chua dễ bị nhớt, có lẽ do trong sữa chua cái này có chất bảo quản gì đó.
4. Có cần phải đun ấm hỗn hợp sữa không?
Câu trả lời là nên đun hỗn hợp sữa ấm nóng đến 80-85 độ C rồi để nguội về 38 độ C – 43 độ C mới cho men cái vào. Nhiều chị em thắc mắc tại sao phải đun ấm làm gì rồi mất công chờ cho nguội, chi bằng chỉ cần cho tất cả vào khuấy đều là xong. Việc đun ấm sữa sẽ giúp “sắp xếp” lại các protein trong sữa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lên men. Việc đun ấm sữa cũng giúp hạn chế việc sữa chua bị tách nước; giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại, chỉ giữ lại lợi khuẩn cho quá trình lên men.
5. Nhiệt độ ủ sữa chua tốt nhất là 40-44 độ C
Lưu ý đây là nhiệt độ của sữa chua chứ không phải nhiệt độ bên ngoài nhé. Chính vì thế mà nhiệt độ bên ngoài phải cao hơn một chút để sữa chua trong hũ đạt nhiệt phù hợp, như cách ủ sữa chua bằng nồi bên trên mình dùng nước ấm khoảng 80 độ để ủ. Nếu duy trì mức nhiệt 40-44 độ C ổn định thì sau 4 giờ, sữa chua đã có thể đông đặc lại. Nếu nhiệt độ cao lên 54 độC sẽ làm men bị chết. Nếu nhiệt độ ủ quá thấp sẽ làm sữa chua bị nhớt.
Với các cách ủ sữa chua bằng lò vi sóng, lò nướng hay nồi chiên không dầu rất khó để giữ mực nhiệt ổn định. Cứ sau thời gian 2-3 giờ, bạn lại phải kích nhiệt một lần và phải có nhiệt kế đo để chuẩn xác nhất.
Trong quá trình ủ, tránh mở ra nhiều lần làm mất nhiệt. Cùng không làm xê dịch các hũ sữa chua vì sẽ làm chúng bị vữa và dễ tách lớp.
6. Tại sao sữa chua bị nhớt?
Có thể cách làm sữa chua úp ngược của bạn thành công nhưng khi ăn thử lại thấy hiện tượng nhớt. Sữa chua vẫn đông đặc, úp ngược dễ dàng nhé nhưng khi xúc thử thì thấy có rây chảy. Nguyên nhân có thể là do
– Dụng cụ không được tiệt trùng sạch và khô
– Men cái chưa hết lạnh đã trộn vào sữa
– Ủ sữa chua quá lâu ở nhiệt độ thấp
– Protein trong sữa thấp (nếu bạn dùng sữa tươi pha với đường hoặc sữa đặc pha nước hay gặp phải)
Trên đây là cách làm sữa chua úp ngược tại nhà, những lưu ý quan trọng để ủ sữa chua dẻo ngon thành công 100% cũng như cách khắc phục lỗi hay mắc phải khi ủ sữa chua. Lưu lại ngay công thức và làm thử nhé, đừng quên chia sẻ thành phẩm cùng chúng mình.

Cách làm sữa chua úp ngược tại nhà
- 1 lít sữa tươi không đường
- 1 lon sữa đặc ông thọ
- 1 hộp sữa chua cái
- Hũ thủy tinh sạch
- Nồi, muôi, thìa
- Sữa tươi, sữa đặc, sữa chua cái để ngoài nhiệt độ phòng ít nhất 40 phút cho hết lạnh hoàn toàn
- Cho sữa tươi, sữa đặc vào nồi rồi đặt lên bếp đun ở lửa vừa. Khuấy nhẹ nhàng theo một chiều cho tan đều và sữa không bén nồi. Đun đến khi hỗn hợp ấm nóng đạt 80 độ. Nhấc ra ngoài, để nguội về 40 độ
- Sữa chua cái khuấy cho tan hết, đổ từ từ vào hỗn hợp sữa khuấy cho tan đều
- Rót sữa chua vào từng hũ thủy tinh, đậy nắp
- Sử dụng nồi lớn, cho nước ấm khoảng 80 độ vào. Xếp những hũ thủy tinh vào nồi đậy kín nắp. Cho nồi sữa chua vào chỗ cố đinh, dùng chăn hoặc áo dầy tủ kín để giữ nhiệt ổn đinh. Ủ 8-10 tiếng hoặc ủ qua đêm.
- Ngoài ra, có thể ủ sữa chua bằng nồi cơm điện, thùng xốp, lò vi sóng, lò nướng
- Thành phẩm sữa chua úp ngược trắng muốt, dẻo mịn, thơm ngon, vị chua dịu, úp ngược không bị đổ.
- Bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh, dùng trong 1 tuần
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trả lời