Mứt cóc bao tử se dẻo, vị chua ngọt hài hòa là món ngon ngày Tết không thể bỏ lỡ. Cùng học cách làm mứt cóc dẻo ngon, bí quyết để miếng mứt ráo không dính tay nhé.
Mứt Tết từ xưa tới nay là món quà bánh không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Bên cạnh bánh chưng, thịt mỡ dưa hành thì không thể thiếu một khay mứt đủ màu sắc. Thưởng trà cùng với mứt là thú vui tao nhã, thanh lịch của người Việt. Mứt phải đi chung với trà mới đúng điệu, tách trà nóng thơm lừng cùng với vị ngọt ngào của mứt thật khéo chiều vị giác.
Ngoài những cách làm mứt truyền thống như mứt dừa, mứt gừng, mứt cà rốt, mứt bí… thì mấy năm nay trào lưu làm các loại mứt hoa quả rộ lên nhất là mỗi dịp Tết đến. Dường như loại quả nào cũng có thể làm được mứt với hương vị hấp dẫn riêng. Hôm nay, cùng Bếp Mina học cách làm mứt cóc chua ngọt siêu ngon, bí quyết thành công ngay lần đầu tiên nhé.
Nguyên liệu làm mứt cóc non
- Cóc bao tử: 2kg
- Đường trắng hoặc đường vàng: 800g
- Nước ép dứa: 1 quả
- Muối tinh
- Nước vôi trong (không bắt buộc)
Để làm mứt cóc dẻo ngon thì bạn nên dùng những quả cóc bao tử hay cóc Thái. Chúng hầu như không có hạt và không có xơ, thành phẩm mứt dẻo thơm, không bị nát. Nếu làm bằng cóc chín già có được không? Tất nhiên là vẫn được chứ nhưng mứt thành phẩm sẽ không dẻo bằng. Cóc già dù mùi thơm hơn rất nhiều, vị cũng đậm hơn nhưng lại có hạt và nhiều xơ. Chình vì thế bạn sẽ mất nhiều thời gian để gọt tách hạt hơn, mứt cũng sẽ cứng hơn và sên mứt cũng khó hơn.
Nước vôi trong có tác dụng gì? Nước vôi thường được sử dụng khi làm một số loại bánh mứt như bánh đúc, mứt gừng, mứt cà rốt, mứt vỏ cam… Nước vôi trong có tác dụng làm cho sợi mứt được mềm dẻo, trong hơn, dai hơn, không bị gãy nát khi sên. Đôi khi nó còn có tác dụng giảm bớt vị đắng và mùi nồng của một số nguyên liệu. Người ta sẽ sử dụng vôi tôi hòa với nước, để im 1-2 giờ cho lắng rồi gạn lấy phần nước trong bên trên chính là nước vôi trong.
Nếu không có nước vôi trong thì có làm được mứt không? Vẫn được nhé. Bếp Mina sẽ hướng dẫn bạn cách làm mứt cóc không cần nước vôi vẫn dẻo ngon như thường.
Cách làm mứt cóc chua ngọt
Sơ chế cóc non
- Cóc bao tử chọn những quả tươi ngon, không bị bầm dập hay bị sâu hỏng. Rửa sạch đất bụi bám bên ngoài vỏ rồi để ráo nước
- Tiến hành gọt vỏ. Bạn có thể dùng dao hoặc dụng cụ nạo để cạo sạch vỏ. Gọt mỏng nhất có thể để không bị lấn nhiều vào thịt cóc phía trong. Gọt đến đâu, bạn thả vào chậu nước muối loãng ngâm 1 giờ cho cóc ra bớt nhựa và không bị thâm. Sau đó, rửa lại rồi để ráo nước
- Cóc có thể bổ đôi nhưng mình thích để cả quả hơn. Hãy dùng que xiên hoặc tăm nhọn, chọc đều lên khắp quả cóc để thấm đường nhanh hơn và vị chua của cóc cũng được tiết ra nhiều hơn.
Ướp cóc với đường
- Cho cóc bao tử và đường vào một cái âu lớn, trộn đều. Thông thường, với 1kg cóc mình ướp với khoảng 400g đường là có vị chua ngọt vừa đủ. Bạn có thể điều chỉnh lượng đường tùy theo khẩu vị nhưng không nên cho ít đường quá sẽ khó sên. Ướp cóc với đường ít nhất 6 tiếng hoặc qua đêm, đến khi đường tan hết và miếng cóc hơi mềm lại là được.
Sên mứt cóc
- Cho phần cóc và đường vào chảo đế dày, lúc đầu cứ để lửa to cho nhanh cạn. Khi sôi, bạn hớt bỏ bọt và đảo nhẹ tay tránh bị nát.
- Khi hỗn hợp cóc đã rút gần hết nước, bắt đầu keo lại thì cho 1 quả nước ép dứa vào đảo cùng. Nước ép dứa không chỉ tạo mùi thơm hơn mà nó còn giúp mứt lên màu nâu đỏ đẹp mắt hơn.
- Sên mứt cóc đến khi gần cạn nước, miếng cóc mềm là được. Không sên cạn vì như thế miếng mứt cóc thành phẩm bị đen, kiểu như bị cháy.
Hong khô mứt cóc
- Chuẩn bị bát nước nóng (tầm 80 độ C). Gắp từng miếng mứt cóc nhúng qua bát nước để trôi bớt đường và sạch bọt bám bên ngoài. Sau đó, xếp mứt cóc ra rack hoặc mâm có lót giấy nến.
- Đem mứt cóc hong dưới nắng nhẹ khoảng 2 nắng là đạt. Hoặc cho mứt cóc vào lò nướng, sấy 80 độ trong thời gian 4-5 giờ.
Nếu nhà có máy sấy, bạn cho mứt vào sấy rất tiện
Mứt cóc bao tử thành phẩm phải có màu nâu cánh gián đẹp mắt. Miếng mứt hơi teo lại, se dẻo, ráo nước không bị dính tay. Mứt cóc dẻo dẻo, vị chua ngọt hài hòa, thơm thoang thoảng mùi dứa chín. Cho mứt cóc vào hũ thủy tinh sạch có nắp đậy để bảo quản, Mứt cóc dẻ để ngoài nhiệt độ phòng được nửa tháng, có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh để được lâu hơn. Nhâm nhi miếng mứt ngọt, người ta lại muốn nhấp thêm ngụm trà chan chát để làm dịu đi. Hương vị đọng lại cuối cùng là ngọt hậu của trà, thơm ngọt của mứt. Những ngày đầu xuân năm mới, cả nhà quây quần bên nhau bên khay trà mứt, tâm sự những câu chuyện vui, những dự định trong năm và cầu mong một năm mới tốt đẹp.
Ngoài cách làm mứt cóc chua ngọt như trên, bạn có thể biến tấu món mứt cóc sấy muối ớt cũng không kém phần hấp dẫn. Sau khi sên mứt xong, bạn gắp mứt ra bát lớn, thêm một ít muối tôm và ớt bột rồi trộn đều. Miếng mứt cóc đủ vị chua cay mặn ngọt cũng rất đáng để thử. Tuy vậy mứt cóc muối ớt sẽ dính ướt hơn và cũng không bảo quản được lâu.
Chúc các bạn thành công với cách làm mứt cóc mà chúng mình vừa chia sẻ nhé.
Trả lời