Cách làm bánh trung thu thập cẩm trứng muối đơn giản, chỉ cần bỏ ra chút thời gian là bạn có ngay chiếc bánh thơm phức hội tụ các vị mặn, ngọt hấp dẫn. Cách xử lý trứng muối, cách trộn vỏ bánh nướng kiểu cứng và mềm cũng sẽ được bật mí trong bài viết này nhé.
Hàng năm, cứ vào những ngày đầu thàng 7 âm lịch, đi dọc các con phố đã thấy nhan nhản các cửa hàng bán bánh trung thu. Nếu như những chiếc bánh dẻo mang vẻ mềm mại, ngọt ngào thì những chiếc bánh nướng thập cẩm lại có nét gì đó cứng cáp, vị bùi bùi. Cách làm bánh trung thu thập cẩm trứng muối tuy cầu kì, mất nhiều thời gian hơn nhưng chắc chắn cảm giác nhìn những chiếc bánh xinh xắn, thơm nức vừa ra lò sẽ vui sướng biết bao.
Nội dung
Cách xử lý trứng muối làm bánh trung thu
Trứng muối thường được sử dụng làm nhân bánh. Nếu bạn không có nhiều thời gian ngâm trứng (mất khoảng 4 tuần) thì có thể mua sẵn ngoài cửa hàng. Tuy nhiên sẽ không ngon và an toàn như mình tự làm ở nhà rồi. Trứng đạt yêu cầu sẽ có màu đỏ rực, tròn xoe, cứng cáp.
Bạn tách trứng và bỏ lòng trắng đi, chỉ lấy mình lòng đỏ thôi nhé. Xả trực tiếp lòng đỏ dưới vòi nước để loại bỏ hớt chất nhớt.
Chuẩn bị sẵn bát rượu nặng (thơm nhất là rượu mai quế lộ), thả quả trứng vào ngâm khoảng 40 giây. Sau đó vớt trứng ra, đặt lên khay nướng có lót sẵn giấy bạc. Xử lý lần lượt cho hết số trứng cần dùng
Dùng chổi quét một lớp dầu mè (nếu không có thì dùng dầu ăn bình thường) bên ngoài giúp trứng bóng và màu đẹp hơn.
Cho trứng vào nướng ở 150 độ trong khoảng 10 phút. Thời gian và nhiệt độ tùy thuộc vào vào lò nướng nhà bạn, cần căn làm sao để trứng có màu đỏ cam đẹp nhất, không nướng lâu quá sẽ làm trứng bị khô nát.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hấp cách thủy trứng trong khoảng 7 phút kể từ khi sôi.
Nguyên liệu làm bánh trung thu thập cẩm trứng muối
Trong bài viết này, chúng mình sẽ hướng dẫn làm nhân bánh trung thu kiểu truyền thống, không thể thiếu những hương vị quen thuộc như lạp xưởng, mứt sen, mứt bí, hạt dưa. Từ đó, bạn có thể biến tấu công thức kiểu nhân bánh hiện đại, thay thế bằng những loại hạt như hạnh nhân, óc chó và các loại mứt quả cam vàng, mứt chanh, jambong,…
Phần nguyên liệu này cho ra khoảng 350g nhân thành phẩm
+ Mỡ đường bánh nướng: 40g
Mỡ đường có thể tự làm hoặc mua sẵn ngoài cửa hàng. Cách làm mỡ đường khá đơn giản, ngon nhất là dùng loại mỡ thăn, miếng mỡ giòn. Sau khi mua về rửa sạch với nước muối, chần qua nước sôi rồi thái hạt lựu. Ướp mỡ cùng đường và chút bột nếp khoảng 3-5 ngày là được.
+ Mứt sen: 40g
+ Mứt bí: 40g
+ Hạt dưa: 50g
+ Hạt bí: 40g
+ Hạt điều: 50g
+ Lạp xưởng: 100g
+ Vừng trắng: 40g
+ Lá chanh: 6-8 lá
+ Ngũ vị hương: 1 thìa nhỏ
Phần nguyên liệu kết dính gồm có:
+ Bột bánh dẻo: khoảng 30g
+ Rượu mai quế lộ: 30g
+ Nước lọc
Lưu ý:
– Mứt sen và mứt bị sẽ có vị ngọt, vì thế bạn thay đổi lượng ít hay nhiều tùy thích nhé.
– Phần bột bánh dẻo và rượu mai quế lộ không cố định, cho vào từng ít đến khi nguyên liệu kết dính được với nhau. Tuy nhiên không nên nhiều quá.
– Đối với nhân thập cẩm cho bánh dẻo, bạn cũng trộn tương tự như này nhưng không cho mỡ đường và lá chanh nhé.
Cách trộn nhân thập cẩm bánh trung thu
Bước 1: Thái nhỏ các nguyên liệu
Tất các các nguyên liệu ở trên phải thái nhỏ về cùng kích thước. Như vậy khi trộn nhân sẽ không bị rời rạc. Bạn có thể quy về cỡ hạt dưa nhé. Lá chanh cũng đem thái nhỏ
Bước 2: Trộn nhân
– Đầu tiên, bạn cho lạp xưởng vào chảo đảo qua cho lạp xưởng săn lại, chuyển màu trong là được nhé. Nếu lượng mỡ ra quá nhiều, có thể dùng giấy thấm bớt dầu trong chảo đi.
– Tiếp theo cho các nguyên liệu vào đảo đều. Nhấc chảo ra bếp, đổ hỗn hợp ra cái âu lớn.
– Cho ngũ vị hương vào đảo
– Bây giờ sẽ dùng bột dẻo và rượu để kết dính các nguyên liệu với nhau. Bạn cho lần lượt 1 thìa bột bánh dẻo, 1 thìa rượu, 1 thìa nước lọc vào. Bột dẻo gặp nước sẽ nở ra, tạo sự kết dính. Bạn cho đến khi nào dùng tay có thể nắm khối nhân được với nhau là đạt. Không cho quá nhiều bột bánh dẻo, vì sẽ làm nhân khô và cứng khi nguội. Rượu cũng chỉ vừa đủ, vì nhiều quá sẽ gây mùi nồng và đắng.
Như vậy là bạn đã hoàn thành khâu trộn nhân thập cẩm rồi nhé.
Cách làm bánh trung thu thập cẩm trứng muối
Phần vỏ bánh
Đối với bánh nướng, bạn có thể làm loại vỏ cứng, bùi hoặc vỏ mềm. Thành phần vỏ cũng khác nhau chút ít. Nguyên liệu dưới đây sẽ cho ra khoảng 430g vỏ bánh nhé.
+ Bột mì đa dụng: 240g
Gọi là bột đa dụng vì nó làm được nhiều loại bánh. Bột có protein khoảng 10,5 – 11,5%
+ Nước đường bánh nướng: 160g
+ Bơ đậu phộng: 10g
+ Dầu ăn: 30g
+ Lòng đỏ trứng gà: 1 quả
Lưu ý: Các loại bột khác nhau có độ hút nước khác nhau. Để làm loại vỏ bánh cứng bùi, bạn có thể thay bằng 120g bột mì số 11 và 120g bột mì số 13, không cho trứng trong công thức.
Tiếp theo đến công đoạn trộn vỏ bánh:
– Đầu tiên, rây bột mì vào cái thố. Tạo một lỗ ở giữa rồi cho các nguyên liệu còn lại vào
– Dùng thìa trộn từ giữa cho trứng và bơ tan dần, Trộn dần ra bên ngoài để các nguyên liệu hòa quyện
– Lúc này, bạn có thể dùng tay bóp nhẹ nhàng. Lưu ý là không nhào mạnh vì sẽ làm bột bị chai và dai
– Nếu bột khô quá, bạn có thể cho thêm chút dầu và nước đường vào
– Sau đó, bọc kín khối bột. Cho bột nghỉ khoảng 30-40 phút
Hỗn hợp quét mặt bánh
– 1 lòng đỏ trứng gà, 1/2 lòng trắng, 1 thìa sữa tươi, 1 thìa dầu ăn, 1 thìa nước đường bánh nướng
– Trộn đều hỗn hợp, cho vào rây lọc cho mịn
Đóng bánh
– Đầu tiên, chia bột và nhân thành các phần nhỏ. Đối với bánh nướng thì tỉ lên chuẩn sẽ là: 2 nhân: 1 vỏ. Tuy nhiên nếu bạn lần đầu đóng bánh, có thể cho vỏ nhiều hơn chút để dễ đóng. Ví dụ, bạn dùng khuôn 120g thì có thể dùng 50g vỏ và 80g nhân (đóng nhiều nguyên liệu hơn chút sẽ cho bánh cao đẹp hơn)
Lưu ý: 80g nhân tính cả trứng muối nhé. Sau khi ve tròn nhân, bạn dùng ngón tay nhấn lõm ở giữa, cho trứng vào rồi nhẹ nhàng bọc kín lại.
– Rắc lớp bột áo chống dính khuôn và tấm nhào bột. Dùng cán gỗ cán mỏng khối bột.
– Cho nhân vào giữa bột. Bọc kín rồi lăn cho tròn. Cần phải bọc cho bột sát vào nhân, không có lỗ hở bên trong vì sẽ làm bánh bị tách vỏ khi nướng xong.
– Cho bánh vào khuôn, nhấn mạnh rồi cho bánh ra khay đã lót sẵn giấy nến.
Xem Video hướng dẫn cách làm bánh trung thu thập cẩm tại đây:
Nướng bánh
– Làm nóng lò 180 độ trước 20 phút
– Cho khay bánh vào nướng lần 1 ở 180 độ trong thời gian 10-12 phút. Yêu cầu bánh phải chín, vỏ bánh chuyển đục hoàn toàn, những phần hoa văn nhô lên đã xém vàng.
– Sau khi nướng lần 1 xong, lấy bánh ra xịt nước lên bề mặt luôn
– Để bánh nguội hoàn toàn, dùng chổi quét mặt bánh. Cho vào nướng lần 2 ở 180 độ trong 5-7 phút
– Lấy bánh ra lại xịt nước, để nguội rồi quét mặt. Nướng lần 3 ở 180 độ trong khoảng 4-6 phút là được
Như vậy là bạn đã hoàn thành cách làm bánh trung thu thập cẩm trứng muối rồi. Bánh vừa nướng xong sẽ chưa ăn ngay được. Để khoảng 2-3 ngày, dầu từ nhân tươm va vỏ thì bánh sẽ mềm, vỏ bánh cũng lên màu đẹp hơn. Bánh không sử dụng chất bảo quản nên sẽ sử dụng trong khoảng 7-10 ngày. Bạn có thể đóng gói xinh xắn mang tặng bạn bè và người thân rồi. Chúc các bạn thành công nhé!
Xem thêm: Cách làm mỡ đường bánh trung thu Giòn thơm, Không ngấy
Trả lời