Chè bà cốt thơm, ngọt thanh, ấm nồng, hạt nếp bung tròn quyện cùng nước đường mật nâu trầm, sánh nhẹ. Cùng học cách nấu chè bà cốt của người Hà Nội xưa nhé.
Chè bà cốt, chẳng ai biết cái tên này bắt nguồn từ đâu nhưng từ lâu món chè thơm ngon này đã trở thành món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Vị chè thơm, thanh, ngọt dịu, những hạt nếp bung tròn quyện cùng nước đường gừng nâu trầm, sánh nhẹ. Chè bà cốt thường được ăn vào những ngày mùa đông, nhưng ngày mưa lạnh hay những ngày nồm ẩm khó chịu như mấy nay vậy.
Chè bà cốt truyền thống thường được ăn kèm với xôi vò, món xôi thanh khiết mà người Hà Nội yêu thích. Nguyên liệu nấu chè cũng chỉ là những nguyên liệu dân giã gạo nếp cái hoa vàng, đường phên và gừng bánh tẻ. Tưởng chừng đây là sự kết hợp bình thường nhưng đây còn là bài thuốc giúp làm ấm, tăng cường sức đề kháng của cơ thể trong tiết trời thay đổi này.
Trong Đông y, gừng tươi được gọi là sinh khương, là một trong những dược liệu tân ôn giải biểu, có vị cay, nóng, mùi thơm, tính ấm. Gừng tươi có tính ôn, giúp giải cảm, tiêu độc, tán phong hàn chữa cảm mạo và làm ấm cơ thể. Gạo nếp có tính ôn ấm, phù hợp với người có thể chất dương hư thiên hàn, như bị lạnh tay chân, lạnh bụng, tinh thần rệu rã. Còn đường phên có tác dụng bổ tỳ ấm vị, giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu, bổ khí huyết, tăng cường năng lượng, là “thần dược” trời ban cho sức khỏe và sắc đẹp.
Nguyên liệu nấu chè bà cốt
- Gạo nếp cái hoa vàng: 200g
- Đường phên: 100g
- Đường hoa mai: 40g
- Gừng bánh tẻ: 2 củ
- Nồi gang hoặc nồi dày
- Xôi vò ăn kèm
Cách nấu chè bà cốt
1. Gạo nếp cái hoa vàng chọn những hạt căng mẩy đều nhau. Nhặt sạch nhưng hạt nếp xấu, bị vỡ hay sâu mọt. Tiếp đó, ngâm gạo nếp trong 3 giờ cho đến khu hạt gạo mềm. Việc ngâm gạo sẽ giúp khi nấu nhanh mềm hơn, hạt nếp không bị nát.
2. Gạo nếp ngâm xong thì đãi lại cho hết nước chua rồi xóc cho thật ráo nước. Lấy 1 nhánh gừng thái thành lát. Cho gao nếp cùng gừng đem “sao” trên chảo nóng già trong khoảng 7-8 phút cho đến khi gạo xém vàng.
3. Gừng tươi rửa sạch rồi cho vào cỗi giã nhuyễn. Thêm vào nửa bát con nước khuấy đều rồi lọc qua rây lấy phần nước cốt.
4. Cho đường phên cắt nhỏ vào nồi cùng một xíu nước gừng. Sên trên lửa nhỏ cho đến khi đường chảy ra, thấm quyện mùi gừng. Bước sên đường này cực quan trọng, phải canh lửa và quan sát làm sao đường chuyển màu cafe hơi đậm một chút là phải dừng ngay, kẻo đường bị cháy.
5. Cho nước cốt gừng còn lại vào nồi đường, thêm 1,5 lít nước vào nồi khuấy đều. Đun đến khi nồi nước đường sôi thì cho gạo nếp đã rang vào (bỏ những lát gừng đi). Đun sôi thì hạ nhỏ lửa liu riu. Thi thoảng khuấy đều để hạt nếp nở bung mà không bị bén nồi.
6. Khi hạt nếp đã nở bung thì thêm đường hoa mai vào, nêm sao cho vị ngọt vừa miệng.
Thưởng thức chè bà cốt
Một bát chè bà cốt nâu óng sánh mượt toả khói trắng thơm lừng mùi gừng, mùi nếp cái, mùi đường mật, xắn một thìa xôi vò rồi nhanh tay trộn đều với lớp chè mật dẻo quánh kia. Sự duyên dáng tế nhị của món chè nằm ở mùi gừng đậm đà nhưng khi ăn lại không hề thấy gừng, ăn đến đâu ấm bụng đến đấy, nhẹ bẫng cả người.
Cách nấu chè bà cốt của người Hà Nội xưa hay ở chỗ, mọi thứ kết hợp đều rất khéo léo và vừa vặn, không vị nào lấn át vị nào. Chè ngọt vừa nhưng thanh mát, ấm nhưng không hề nóng, the nhẹ của gừng nhưng lại chẳng hề cay nòng. Món chè này ăn nóng hay ăn nguội đều có cái hay của nó.
Để lại một bình luận