Giữa muôn vàn cách ủ giá đỗ khác nhau, Bếp Mina hướng dẫn bạn cách làm giá đỗ truyền thống bằng lá tre và ủ trong sành đất mà ngày xưa ông bà hay làm. Giá mập ú, trắng sạch, rất thơm và ăn ngọt.
Mình học được cách ủ giá đỗ từ mẹ mình, đây là cách mà ngày xưa các nhà ủ giá bán cũng hay làm. Thông thường, ủ giá sẽ bằng lá tre và ủ trong sành hay lu đất. Giá lên rất đều đẹp, mập ú, ít rễ và điều khác biệt nhất so với các cách ủ khác là giá rất thơm nhé. Mình đã thử các cách làm giá bằng hộp sữa, cách làm giá đỗ bằng cát, bằng khăn… nhưng cách làm giá đỗ truyền thống bằng lá tre vẫn là ngon nhất. Cùng xem thực hiện như thế nào nhé!
Ảnh @HaTa
Nội dung
Nguyên liệu làm giá đỗ truyền thống
- Đậu xanh nguyên hạt: 200g
- Lá tre: 1 nắm to
- Sành đất hoặc dùng chõ đồ xôi
- Khăn hoặc tấm vải tối màu
- Vỉ tre: 2 cái
- Thanh giang: 3-4 thanh
Cách làm giá đỗ truyền thống
Ngâm đậu
Đậu xanh nhặt bỏ những hạt sâu mọt, hạt lép còn sót lại. Cho đậu vào rổ hoặc rây rửa cho sạch bụi. Tiếp đó, cho đậu vào bát đổ nước ấm 35 độ C – 40 độ C ngâm đậu 4-5 tiếng. Mùa đông thì tăng thời gian ngâm lên 6-7 tiếng cho đến khi hạt đậu hơi nứt vỏ là được. Rửa lại đậu nhẹ nhàng cho sạch rồi để cho ráo nước.
Ủ giá đỗ
- Rửa sạch lá tre, phên tre, thanh tre và chõ đồ xôi
- Lót một lớp lá tre dày xuống dưới đáy nồi để đỗ không bị lọt xuống dưới. Tiếp đó rải một lớp đậu xanh lên bên trên. Lót tiếp một lớp lá tre mỏng rồi trải nốt lớp đậu xanh còn lại vào chõ.
- Đậy một lớp lá tre dày lên trên. Lá tre có tác dụng kích thích nảy mầm và tạo độ tối tốt vì thế lượng lá tre phải đủ dày. Nếu ít lá tre, bạn có thể dùng một lượt lá chuối hoặc lá dong. Những loại lá này ngâm trong nước không bị thối nên không ảnh hưởng đến chất lượng của giá đỗ.
- Đặt vỉ tre lên trên rồi dùng cách thanh tre nẹp chặt lại. Nẹp càng chặt thì giá lên sẽ càng mập ú. Cuối cùng phủ tấm vải hoặc khăn tối màu lên trên rồi để ở chỗ tối.
Cho giá uống nước
- Đều đặn mỗi ngày cho giá uống nước 3 lần sáng – trưa – chiều. Xả đầy nồi nước, để cho giá ngậm nước 5 phút rồi úp ngược nồi xuống để nước chảy hết ra ngoài, tránh ngâm lâu sẽ làm giá bị úng.
- Đến ngày thứ 3 giá đã nảy mầm nên cần nới lỏng thanh nẹp để giá cao lên. Tiếp tục cho giá uống nước rồi úp ngược nồi cho ráo nước rồi ủ tiếp
Thu hoạch giá đỗ
Tùy vào thời tiết mà sau khoảng 3-4 ngày là giá được thu hoạch. Nếu ủ lâu hơn thì giá sẽ dài hơn và còi hơn. Nhẹ nhàng gỡ thanh và vỉ tre, gỡ giá ra rổ thưa, đảo nhẹ để lớp vỏ đậu rơi xuống dưới. Thành quả là những cọng giá trắng ngần, mập ú nu, giá rất sạch có thể ăn ngay được. Muốn bảo quản giá đỗ được lâu, bạn cho vào túi bóng đen và bảo quản trong tủ lạnh.
Lưu ý khi làm giá đỗ
– Chọn những hạt đậu chắc mẩy, đều nhau, không bị sứt hay bị sâu mọt để tỉ lệ nảy mầm tốt nhất
– Giá đỗ ưa bóng tối vì thể không ủ giá nơi ánh sáng trực tiếp.
– Trong quá trình ủ, không mở ra xem sẽ khiến quá trình nảy mầm bị gián đoạn, giá bị tím và đắng
– Có thể làm giá đỗ từ đậu đen, đậu đỏ hoặc đậu nành
Trên đây là cách làm giá đỗ truyền thống, ủ giá bằng lá tre trong sành đất mà ông bà ta hay làm. Mặc dù cách ủ giá này tốn nhiều công đoạn hơn những cách ủ giá hiện đại nhưng bù lại giá trắng thơm, ăn ngọt và ngon hơn nhiều. Nếu có thời gian bạn hãy thử xem sao nhé!

Cách ủ giá đỗ truyền thống
- 200g đậu xanh nguyên hạt
- Lá tre
- Vỉ tre, thanh tre
- Sành đất hoặc chõ đồ xôi
- Đậu xanh nhặt sạch, ngâm trong nước 35-40 độ C trong4-5 tiếng, mùa đông ngâm 6-7 tiếng đến khi đậu nứt mắt
- Lá tre, vỉ tre, thanh tre, chõ đồ xôi rửa thật sạch
- Lót một lớp lá tre xuống đáy nồi, rải một lớp đậu xanh lên. Tiếp đó rải một lớp lá tre rồi cho nốt phần đậu xanh còn lại
- Dùng vỉ tre đặt lên trên rồi nén chặt bằng các thanh tre. Để nồi giá vào chỗ tối
- Ngày 3 lần cho giá uống nước. Đổ ngập nước cho giá ngâm 5 phút rồi úp ngược nồi cho ráo hết nước.
- Sau 3 ngày, nới cao thanh và vỉ tre để giá cao lên
- Ủ 3-4 ngày là có thể thu hoạch giá đỗ
XEM THÊM CÁC MÓN NGON
Để lại một bình luận